7 Cách trả lời phỏng vấn thông minh

7 Cách trả lời phỏng vấn thông minh

Ngày đăng: 24/08/2021 03:35 PM

    7 CÁCH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN THÔNG MINH

    Nhận được lời mời phỏng vấn tức là bước đầu bạn đã tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn ở phía trước, bạn phải chuẩn bị tâm thế cho cuộc phỏng vấn sắp tới với hàng loạt các câu hỏi mang tính chất bất ngờ. Bằng cách trả lời thông minh, ấn tượng sẽ khiến bạn nổi bật hơn hẳn so với các ứng viên khác. Dưới đây là một số câu hỏi phổ biến nhất và các chuyên gia tuyển dụng khuyên bạn nên tham khảo.

    1.Tưởng tượng 5 năm sau bạn sẽ như thế nào?

    Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng đánh giá được mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch trong tương lai của bạn. Họ sẽ không quan tâm đến việc bạn muốn leo cao đến đâu mà muốn biết bạn có những kỹ năng và kế hoạch gì để thực hiện mục tiêu đã đề ra. Bạn không nên trả lời quá dè chừng hay phóng đại so với khả năng thực của mình.

    Bạn nên: Trong khoảng thời gian 5 năm, bạn nên đề cập đến mục tiêu công việc và bạn có thể đóng góp gì cho công ty. Hãy suy nghĩ về việc bạn có thể đạt được những gì khi đảm nhiệm vị trí công việc đó. Bạn nên nói rằng: “Tôi hy vọng công việc này sẽ là cơ hội để tôi có thể phát huy hết khả năng của mình và đóng góp vào thành tích chung của công ty". Bạn cũng có thể chia sẻ được những điều bạn muốn cải thiện hoặc nâng cao trong tương lai gần, tuy nhiên phải cẩn thận nếu đó không phải là phạm vi mà bạn có thể can thiệp.

    2. Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

    Đây là một câu hỏi khá khác biệt. Điều bạn cần chứng tỏ với họ là sẽ thật đáng tiếc nếu công ty không tuyển dụng bạn.

    Bạn nên: Ngoài việc khẳng định khả năng của bạn có thể đáp ứng được các tiêu chí mà nhà tuyển dụng tìm kiếm thì bạn có thể bổ sung thêm 2 - 3 khả năng mà bạn có nhằm hỗ trợ tốt nhất cho công việc mà đôi khi nhà tuyển dụng không nắm rõ. Điều này cho thấy bạn đưa ra đóng góp từ những kinh nghiệm mà mình rút ra được, nó sẽ khiến nhà tuyển dụng khá ấn tượng về bạn. 

    3. Tại sao bạn muốn làm việc ở đây?

    Điều nhà tuyển dụng muốn biết là bạn làm được những gì? Và có đóng góp gì cho công ty bằng những hành động cụ thể.

    Bạn nên: Nhà tuyển dụng muốn biết khả năng thích ứng của bạn với công việc và văn hóa công ty ở mức độ nào, bạn đã chuẩn bị những gì khi được nhận vào công ty. Bạn cần hiểu rõ lý do bản thân tại sao muốn làm việc ở đó? Chẳng hạn đó là môi trường lý tưởng để nâng cao kỹ năng của bạn, nơi có những thách thức tạo điều kiện cho bạn hoàn thiện và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

    4. Bạn biết gì về chúng tôi?

    Đây là câu hỏi tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng đã gây khó khăn ít nhiều cho các ứng viên. Nếu bạn không tìm hiểu về công ty thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không nghiêm túc khi làm việc ở đó.

    Bạn nên: Việc tìm hiểu thông tin về công ty là một trong những bước bắt buộc phải làm trước khi bạn ứng tuyển vào một công việc bất kỳ. Nhà tuyển dụng muốn các ứng viên thực sự quan tâm, có những hiểu biết nhất định đến công việc và công ty chứ không chỉ đơn giản là họ muốn có một công việc nào đó. Nếu tận dụng tốt lợi thế của các nguồn thông tin “online” và “offline”, bạn có thể tìm hiểu về sứ mệnh và văn hóa của công ty. Từ đó, thể hiện sự tự tin và mong muốn được làm việc cho công ty tới nhà tuyển dụng.

    5. Mọi người nhận xét về bạn như thế nào?

    Việc bạn cho người phỏng vấn biết ý kiến khách quan của những người khác về mình cũng chứng tỏ bạn là người hiểu rõ bản thân mình.

    Đây cũng là một cơ hội giúp bạn trở nên nổi bật nếu tận dụng tốt điều này. Mọi người đều nói chung chung rằng bạn là một nhân viên chăm chỉ trong công việc, khéo léo trong cách ứng xử. Nếu chỉ trình bày một cách khái quát như vậy thì bạn dễ bị chìm ngỉm trong vô vàn hồ sơ sáng giá khác.

    Bạn nên: Hãy sáng tạo bằng cách kể một câu chuyện giữa bạn và đồng nghiệp và họ đã nhận xét như thế nào về bạn. Người phỏng vấn sẽ muốn biết lý do tại sao mọi người nghĩ bạn xứng đáng với những mỹ từ đó.

    6. Điểm mạnh/điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?

    Bạn cần nêu bật thế mạnh của bản thân là điều mà nhà tuyển dụng đang cần. Bạn có nhiều ưu điểm, nhưng chọn một trong những điều họ cần nhất. Hãy chia sẻ một điểm nổi bật nhất làm cho họ nghĩ rằng họ cần phải thuê bạn ngay lập tức.

    Mọi người đều biết câu hỏi về "điểm yếu lớn nhất" là một cái bẫy và ứng viên sẽ trả lời một ý gì đó nhàm chán (ví dụ phổ biến: "Tôi là một người cầu toàn"). Bạn cần thừa nhận rằng bạn có những điểm yếu và không hoàn hảo. Nhưng hãy kèm theo kế hoạch để khắc phục và cải thiện điều đó.

    7. Khi nào bạn có thể bắt đầu?

    Hãy cẩn thận với câu hỏi này vì một vài lý do. Trước hết, nó không có nghĩa là bạn “đã nhận được công việc”. Bạn phải giữ cảnh giác và giữ bình tĩnh cho đến hết buổi phỏng vấn.

    Nếu bạn vẫn đang làm việc ở một công ty khác, bạn nên thành thật về thời gian bạn có thể kết thúc và bàn giao công việc. Nếu bạn có thể bắt đầu ngay lập tức (và họ biết bạn hiện không làm việc), bạn chắc chắn có thể nói bạn có thể bắt đầu vào ngày mai. Cảm giác cấp bách và sự phấn khích về việc bắt đầu công việc tại công ty mới luôn luôn là một điều tốt.