Blog - 7 kiểu nghỉ ngơi giúp giải quyết triệt để tình trạng kiệt sức

Blog - 7 kiểu nghỉ ngơi giúp giải quyết triệt để tình trạng kiệt sức

Ngày đăng: 14/07/2022 11:07 AM

    Bạn đã bao giờ cố gắng khắc phục tình trạng kiệt sức bằng cách ngủ nhiều hơn, nhưng dù có ngủ bao nhiêu thì vẫn cảm thấy uể oải và mệt mỏi? Sự thật là bạn đang cần được nghỉ ngơi, và ngủ chỉ là một trong những hình thức của việc nghỉ. Hãy áp dụng 7 kiểu nghỉ ngơi dưới đây vào cuộc sống thường nhật để cơ thể luôn tràn đầy năng lượng.

     

    Nghỉ ngơi thể chất (Physical Rest)

    Nếu bạn đang cảm thấy thiếu năng lượng để làm việc, mệt mỏi nhưng khó đi vào giấc ngủ, hệ thống miễn dịch suy yếu, thường xuyên đau nhức cơ và bị phụ thuộc vào các chất cung cấp năng lượng như cà phê, đồ ngọt,… thì đã đến lúc bạn cần phải nghỉ ngơi thể chất. 

    Nghỉ ngơi thể chất có thể thụ động hoặc chủ động. Nghỉ ngơi thụ động có nghĩa là dành thời gian cho giấc ngủ, bao gồm cả giấc ngủ ngắn hoặc thậm chí là chợp mắt. Mặt khác, nghỉ ngơi chủ động là các hoạt động phục hồi giúp cải thiện sự tuần hoàn và tính linh hoạt của cơ thể như masage, tập thể dục, tắm nước nóng hoặc yoga. Tận dụng cả hai hình thức nghỉ ngơi sẽ giúp mức năng lượng thể chất của bạn luôn đạt trạng thái cân bằng và ổn định. 

    Nghỉ ngơi thần kinh (Mental Rest)

    Các dấu hiệu cho thấy bạn đang cần nghỉ ngơi thần kinh là khi bạn dễ trở nên cáu kỉnh, khả năng tập trung bị giảm sút và luôn cảm thấy bồn chồn, choáng ngợp với các công việc hàng ngày.

    Nghỉ ngơi thần kinh là trạng thái tự do trong suy nghĩ, không lo âu hay để tâm quá nhiều điều xung quanh. Để đạt được điều này bạn cần phải có những khoảng nghỉ ngắn trong suốt một ngày dài làm việc để cơ thể được hồi sức và nạp lại năng lượng. Ngoài ra bạn cũng nên giữ một cuốn sổ nhỏ bên mình để có thể ghi lại bất kỳ suy nghĩ nào lặp đi lặp lại trong đầu bạn.

    Nghỉ ngơi giác quan (Sensory Rest)

    Đèn sáng, màn hình máy tính, tiếng ồn giao thông hay những cuộc trò chuyện liên tục có thể khiến bạn cảm thấy quá tải. Đây là lúc bạn cần đưa các giác quan của mình vào trạng thái nghỉ.

    Học cách lắng nghe các giác quan của mình nhiều hơn bằng việc rời xa các thiết bị điện tử, giảm bớt ánh sáng xung quanh để tập trung hít thở, ăn một loại rau xanh,… Bên cạnh đó, thiền định là một liệu pháp hữu ích giúp giữ vững tâm trí để bạn không bị cuốn đi bởi những điều kích thích bên ngoài.

    Nghỉ ngơi sáng tạo (Creative Rest)

    Nghỉ ngơi sáng tạo là điều cần thiết khi bạn cảm thấy bế tắc, không có hứng thú và không thể tạo ra những ý tưởng hoặc giải pháp mới cho các vấn đề. 

    Hãy dành nhiều thời gian làm những việc mà bạn ít quan tâm đến để có thể làm đầy chiếc cốc sáng tạo của mình. Hòa mình vào thiên nhiên, trang trí không gian làm việc sao cho đẹp mắt hay đắm mình trong sự sáng tạo của người khác như ghé thăm viện bảo tàng hoặc gặp gỡ những người truyền cảm hứng.

    Nghỉ ngơi cảm xúc (Emotional Rest)

    Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang cần nghỉ ngơi cảm xúc bao gồm việc hoài nghi và trách móc bản thân vì những sai lầm nhỏ, lo lắng thái quá, dễ mất bình tĩnh và cảm thấy kiệt quệ về mặt cảm xúc.

    Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề này là hãy chú ý đến môi trường sống của bạn. Vì cảm xúc rất dễ lây lan, nếu xung quanh bạn là những người tiêu cực thì bạn sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi họ. Ngoài ra, hãy chia sẻ cảm giác của bạn trong một không gian an toàn bằng cách tâm sự với một người đáng tin cậy hoặc viết nhật ký. Việc thực hành chánh niệm cũng là một cách giúp bạn phát triển khả năng đối mặt với những cảm xúc khó khăn.

    Nghỉ ngơi xã hội (Social Rest)

    Đôi khi bạn cảm thấy đơn độc, khó duy trì các mối quan hệ thân thiết, không phân biệt được đâu là những người nên tiếp xúc và đâu là những người nên hạn chế. Điều này xảy ra khi chúng ta tham gia vào tương tác xã hội quá nhiều hoặc quá ít.

    Để thiết lập trạng thái cân bằng, bạn cần phải xác định được nhu cầu xã hội của mình và không được so sánh bản thân với người khác. Hãy đưa ra lời từ chối nếu bạn cảm điều đó không phù hợp, lên kế hoạch gặp gỡ những người có cùng sở thích, chí hướng để tạo những kết nối sâu sắc, đồng thời dành nhiều thời gian hơn cho những người tích cực và bạn bè thân thiết.

    Nghỉ ngơi tinh thần (Spiritual Rest)

    Khi bạn cảm thấy mất kết nối với thế giới và trở nên không có hứng thú, mông lung thì nghỉ ngơi tinh thần sẽ khiến bạn cảm giác có mục đích và sự thuộc về. 

    Đối với những người có đức tin, hãy dành thời gian thực hành niềm tin tâm linh dựa trên đức tin của mình như đi chùa, nhà thời, cầu nguyện,… Đối với những người không thuộc về một tín ngưỡng cụ thể nào đó, sự nghỉ ngơi tinh thần có thể được thực hiện bằng cách thiền định, tham gia tình nguyện hoặc các hoạt động cộng đồng khác mang lại cảm giác có mục đích và cảm thấy được kết nối. 

    Theo Đẹp