(VNF) - Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, cho rằng trong năm 2022, lợi nhuận của các ngành sẽ tiếp tục có sự phân hóa. 3 ngành theo ông có sự tăng trưởng vượt bậc là ngân hàng, chứng khoán và dịch vụ bán lẻ, trong đó ngành ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng khoảng 20-25%.
Tại Talkshow Phố Tài chính, nhìn lại thị trường chứng khoán trong năm 2021, ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE, cho biết dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua là rất lớn, hanh khoản trung bình trên 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên lên đến 2,5 tỷ USD.
Ông Giang cho biết, cổ phiếu tài chính - ngân hàng đạt mức tăng trưởng trung bình 65-80% trong năm 2021, trong đó có những cổ phiếu ngân hàng tăng đến hơn gấp đôi trong 9 tháng trở lại đây. Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, đặc biệt là chứng khoán tăng 4-5 lần. Những ngành khác liên quan đến sản xuất, vật liệu xây dựng cũng có những tăng trưởng tốt.
Những doanh nghiệp nằm trong nhóm VN30, tuy bị ảnh hưởng nhưng nhờ có tiềm lực tài chính tốt, có nội lực phát triển với vị thế là đơn vị đầu ngành nên vẫn tăng trưởng về thị giá.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE (giữa) và ông Lê Trí Thông,
Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PNJ tại Talkshow Phố Tài chính
Ông Nguyễn Hoàng Giang cũng đề cập đến một diễn biến đáng chú ý trong năm qua là có những cổ phiếu tăng giá mạnh đến 15-20 lần, tuy nhiên hầu hết lại đến từ dòng tiền đầu cơ vào những cổ phiếu có thị giá thấp dưới 1.000 – 2.000 đồng/cổ phiếu, tăng lên 20.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều doanh nghiệp trong số này thậm chí có kết quả kinh doanh thua lỗ.
“Điều đó cho thấy không ít người vẫn muốn tìm kiếm lợi nhuận bằng cách đầu cơ, bên cạnh việc đầu tư vào những doanh nghiệp cơ bản, có sự tăng trưởng bền vững”, Chủ tịch DNSE cho hay.
Với những doanh nghiệp có vốn hóa nhỏ, chỉ cần một lượng ít các nhà đầu tư tham gia dẫn dắt thì có thể đẩy cho thị giá của cổ phiếu đó tăng nhanh, là một rủi ro tiềm tàng đối với các nhà đầu tư.
Về triển vọng trong năm 2022, ông Nguyễn Hoàng Giang cho rằng những ngành như tài chính - ngân hàng, chứng khoán, các dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc hơn. Trong đó ngành ngân hàng sẽ có sự tăng trưởng tiếp tục khoảng 20-25%, cao hơn so với trung bình thị trường trong năm 2022.
Theo Chủ tịch DNSE, chứng khoán vẫn là một ngành hấp dẫn, còn ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phát triển khi dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu thế bán lẻ online và offline.
Cùng với đó, sự trở lại của ngành hàng không và du lịch cũng sẽ là cơ hội tốt, theo ông Nguyễn Hoàng Giang, tuy nhiên vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách, nội tại các doanh nghiệp không thể chủ động được.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng bức tranh chung năm 2022 nhìn chung sẽ sáng hơn so với năm 2021, nhưng "mây đen không hoàn toàn biến mất".
“Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản khác nhau cho năm 2022. Trong đó, câu chuyện đầu tiên là liệu hàng rào vắc-xin có bảo vệ được chúng ta với những biến thể mới hay không, hay liệu còn có những biến thể khác?”, Tổng giám đốc PNJ cho biết.
Câu chuyện thứ hai là tài chính, mặc dù hiện nay đang tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn đó các vấn đề rủi ro liên quan đến lãi suất, dòng tiền vẫn hiện diện trong năm 2022.
Ông Lê Trí Thông dự báo sức mua sẽ phục hồi rất cao từ quý IV/2021 trở đi, hướng đến năm 2023.
“Covid-19 tạo ra những khó khăn nhưng cũng tạo ra những cơ hội để chúng tôi nhìn về những quan hệ hợp tác quốc tế, mà nếu trong điều kiện bình thường thì chưa chắc tìm được những cơ hội như vậy”, Tổng giám đốc PNJ chia sẻ.
Chia sẻ quan điểm về gói kích thích kinh tế đang được đề xuất và xem xét, ông Lê Trí Thông cho rằng việc các gói hỗ trợ "chạy" vào cơ sở hạ tầng để nâng sức mua của người dân, qua đó đưa nền kinh tế đi lên là "tốn thời gian".
"Chúng tôi mong muốn có những gói kích thích đưa thẳng vào sức mua của người dân", Tổng giám đốc PNJ chia sẻ.
Ông Lê Trí Thông đề cập đến sự mất tương xứng giữa phát triển kinh tế và hạ tầng an sinh, trong đó một số ngành ở TP. HCM và Bình Dương đã hay Đồng Nai đã bắt đầu thiếu lao động.
"Hy vọng chính sách đúng sẽ thu hút được lao động quay trở lại. Sự phục hồi kinh tế sẽ diễn biến nhanh hơn khi gói kích thích đi vào những vấn đề này", Tổng giám đốc PNJ nêu rõ.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Giang, để tăng trưởng GDP thì bắt buộc phải tăng đầu tư công và để lại nền tảng hạ tầng tốt cho đất nước phát triển không chỉ ngay lập tức mà còn nhiều năm về sau.
Theo Chủ tịch DNSE, những hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, thuế nên đi trực tiếp vào các doanh nghiệp. "Tuy nhiên, sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nên có sự sàng lọc tự nhiên, không nên hỗ trợ lãi suất một cách ồ ạt nếu không sẽ dẫn đến lạm phát", ông Nguyễn Hoàng Giang cho biết.
Chủ tịch DNSE cho rằng Việt Nam nên duy trì lãi suất thấp kèm theo hỗ trợ ưu đãi với các doanh nghiệp.
Nguồn: Vietnamfinance