Khi Jason nhận việc là kỹ sư phần mềm tại một công ty thuộc nhóm Big Tech (Đại Công ty Công nghệ), đó dường như là đỉnh chóp trong sự nghiệp của anh. Anh không chỉ được đề xuất mức lương sáu con số, mà còn là cơ hội làm việc tại một trong những công ty có giá trị nhất trên thế giới, ở ngay giữa Thung lũng Silicon.
Khó xử về đạo đức
Nhưng chưa tới vài tuần sau khi nhận việc, Jason đã bắt đầu nghi ngờ về quyết định của mình: các giá trị của công ty đã khiến anh khó xử về đạo đức.
“Công ty tôi luôn nói rằng giải quyết các vấn đề do thuật toán tạo ra là quá khó, chẳng hạn như: phòng tiếng vọng (thế giới thông tin một chiều), thông tin sai lệch, các vấn đề sức khỏe tâm thần,” anh giải thích. “Tuy nhiên, dù có trong tay số lượng khổng lồ tài nguyên và kỹ sư, có vẻ như công ty không bao giờ thực sự muốn khắc phục vấn đề.”
Chưa đầy một năm sau khi nhận việc, Jason đã xin nghỉ. “Nhóm tôi vừa hoàn thành một tính năng mới, và đó là một cột mốc quan trọng đối với công ty,” anh nói. “Và tôi nhận ra mìn không hề quan tâm: nó sẽ không nâng tầm sự nghiệp của tôi, và tôi cũng không làm thế giới tốt đẹp hơn. Nó chỉ làm lợi ích cho công ty đã có giá trị hàng trăm tỷ đô la.”
Sự xáo trộn từ Làn sóng Nghỉ việc cho thấy nhiều nhân viên đang chuyển sang các công việc có quyền lợi tốt hơn: có thể là linh hoạt hơn, cân bằng nhiều hơn giữa công việc và cuộc sống hoặc thậm chí lương cao hơn.
Nhưng cũng có xu hướng ngày càng tăng là nhiều nhân viên, chẳng hạn như Jason, bỏ việc, tùy thuộc vào việc giá trị của công ty khớp với giá trị của bản thân họ đến đâu.
Dữ liệu mới xuất hiện cho thấy thật ra nhân viên đang đi theo tiếng gọi của đạo đức nhiều hơn.
Trong nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn quản lý Blue Beyond Consulting ở California mà BBC Worklife được xem, 80% nhân viên Mỹ và Canada được khảo sát nói điều quan trọng là giá trị của công ty phải nhất quán với giá trị của họ.
Tuy nhiên, dường như cũng có sự vênh ở đây: chỉ có 57% trong số họ cho biết giá trị của họ thực sự khớp, và chỉ khoảng một nửa số người tham gia khảo sát nói giá trị không khớp thực sự sẽ khiến họ nghỉ việc.
Mặc dù có bằng chứng cho thấy một số nhân viên đang nghỉ việc – và cũng từ chối nhận việc mới – tại các công ty không cùng quan điểm, nhưng thực tế thì rất phức tạp.
Không phải ai cũng dứt áo ra đi, ngay cả khi họ có lựa chọn khác nếu nghỉ việc chỗ đang làm.
Có thể là họ không ở vị thế thuận lợi để bỏ đi, nhất là nếu họ phụ thuộc vào mức lương và chưa có sẵn ngay cơ hội việc làm với nơi khác.
Sự hiển hiện giá trị
Trong nhiều trường hợp, nhân viên chưa bao giờ thích ứng với những giá trị mà công ty coi trọng.
“Trong thời đại thông tin và mạng xã hội, việc tìm hiểu lập trường các công ty trong nhưng vấn đề lớn là dễ hơn bao giờ hết,” Mark Bolino, giám đốc quản lý và kinh doanh quốc tế tại Đại học Oklahoma, Hoa Kỳ, cho biết.
Gần đây, điều kiện của nhân viên trong đại dịch cũng như phong trào công bằng xã hội khiến họ mong đợi công ty minh bạch nhiều hơn về lập trường của hãng trong các vấn đề chính trị, môi trường và xã hội quan trọng – cùng với đạo đức kinh doanh của công ty.
Kết quả là, trong hai năm qua, nhân viên ngày càng thúc đẩy các công ty không chỉ lên tiếng về những vấn đề xã hội này, mà còn có hành động và trách nhiệm giải trình sau đó.
“Trước đó, nhiều công ty cảm thấy các giá trị họ đã công bố là một phần có sẵn của công ty,” Cheryl Fields Tyler, người sáng lập Blue Beyond Consulting và tiến hành nghiên cứu, cho biết.
“Nhưng trong hai năm qua, đại dịch, bất công sắc tộc và phân cực chính trị kết hợp đã tạo ra cảm giác lan rộng rằng ai cũng mong các công ty sẽ là lực lượng chính nghĩa trong xã hội.”
Trong một số trường hợp, giá trị mà công ty tin tưởng cũng như cách họ phản ứng với các vấn đề hiện tại sẽ ảnh hưởng đến hành vi nhân viên.
Fields Tyler tin giá trị của nhân viên là yếu tố quan trọng của Làn sóng Nghỉ việc vốn chứng kiến số lượng kỷ lục nhân viên ở nhiều nước nghỉ việc hay đổi việc. “Nhân viên nghỉ việc ở mức độ chưa từng có, và nó xoay quanh những gì công ty làm về văn hóa công ty,” bà nói.
Xu hướng này không chỉ thể hiện ở việc từ chức – nó thay đổi cách nhân viên cân nhắc và cuối cùng quyết định nơi làm việc. Theo nghiên cứu của Blue Beyond, nhiều khả năng là chỉ có một trong bốn nhân viên có kiến thức chịu nhận việc khi có sự cách biệt về giá trị.
Và, như những gì mọi người nói, có những dấu hiệu cho thấy các nhân viên trẻ có thể coi trọng đạo đức công ty hơn các thế hệ trước.
“Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rõ rằng nhân viên dưới 45 tuổi nhiều khả năng nghỉ việc vì giá trị công ty,” Fields Tyler nói. “Họ có thể đã lớn lên trong không gian đa dạng hơn và giá trị của họ ngày càng được phản ánh tại nơi làm việc.”
Dứt áo ra đi?
Tuy nhiên, tin tức về nghỉ việc hàng loạt do đạo đức của công ty có thể đã bị thổi phồng – không phải nhân viên nào có giá trị lệch với giá trị cơ quan cũng đều thu dọn và dứt áo ra đi.
Trong một số trường hợp, nhân viên đang chọn cách phản kháng lại giá trị của công ty từ bên trong, trong khi vẫn ở lại làm việc.
Thay vì ra đi hay thậm chí là nghỉ việc trong giận dữ, một số nhân viên chọn cách tổ chức hành động bước ra ngoài hay thực hiện các nỗ lực đa dạng và hòa nhập tại công ty hiện tại của họ.
“Đó có thể là lựa chọn dễ dàng hơn dứt áo ra đi,” Bolino nói. Ông lưu ý các nhân viên có thể có ảnh hưởng, gây dao động đến từng người khác khi họ ra quyết định, và điều đó dẫn đến sự thay đổi dần dần tại công ty.
“Họ có thể gặp khó để thúc đẩy toàn bộ cơ quan thay đổi giá trị sau một đêm, nhưng họ có khả năng có ảnh hưởng nhiều hơn đến cấp trên và đồng nghiệp trực tiếp.”
Đối với những nhân viên khác, những đãi ngộ về lương bổng hay các ưu đãi khác của công ty có thể là quá ‘thơm’ nên khó ra đi được. Tại công ty của Jason, anh cho biết “mọi người đều nhận thức được về các vấn đề đạo đức của công ty, nhưng dường như đa số đều lờ đi”.
“Thay vào đó, nhân viên tập trung vào những mặt tích cực: giúp mọi người giao tiếp và có một tỷ người dùng tính năng họ phát triển. Tôi nghĩ nhiều người trong số họ làm vậy để biện minh cho việc ở lại vì tiền và vì quyền lợi.”
Và khi đồng nghiệp nghỉ việc, họ làm điều đó không nhất thiết là do giá trị, Jason nói thêm. Trên thực tế, anh nói nhiều đồng nghiệp cũ chuyển sang một công ty Big Tech khác với mức lương cao hơn – công ty mà anh cũng xem là phi đạo đức.
Jason tin nhiều nhân viên công nghệ có hiểu biết ngầm rằng lương tháng quan trọng hơn lương tâm.
“Ngay cả trước Làn sóng Nghỉ việc, có vô số công việc để lựa chọn mọi lúc – không phải các đồng nghiệp của tôi hết sức cần tiền hay cần việc,” anh giải thích. “Vì vậy, tôi nghĩ các giá trị của công ty đã được cân nhắc đến khi họ đưa ra quyết định.”
Ngoài ra, nghỉ việc do đạo đức – hay không nhận việc ngay từ đầu do các giá trị đáng ngờ hay mơ hồ – không phải là lựa chọn cho nhiều nhân viên. Một số người, nhất là những ai có thu nhập thấp, có rất ít lựa chọn ngoài tiếp tục làm việc cho công ty mà họ cho là bất chính.
Jason thừa nhận anh nằm trong số ít những người có đặc quyền. “Tôi kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm trong sự nghiệp, vì vậy việc từ chối các công ty công nghệ giàu có và quyền lực nhất là sự xa xỉ,” anh nói.
Bức tranh dài hạn
Mặc dù tầm quan trọng của giá trị công ty dường như đã tăng lên, nhưng đó không phải là hiện tượng do đại dịch. “Đã có vô số nghiên cứu trong nhiều thập kỷ cho thấy mọi người muốn làm việc cho các công ty có giá trị phù hợp với họ,” Bolino giải thích.
Tuy nhiên, các điều kiện mà Làn sóng Nghỉ việc tạo ra – quá nhiều vị trí trống cho nhân viên lựa chọn cũng như các lựa chọn tốt hơn về quyền lợi và mức lương – đã đem đến cơ hội cho họ để chọn các công ty phù hợp hơn với giá trị cá nhân, nhất là đối với nhân viên có trình độ.
“Khác biệt bây giờ là người lao động có đòn bẩy mạnh hơn – họ có thể hành động theo giá trị nhiều hơn,” Bolino tiếp tục. “Trước đây, nếu ai đó không tìm được công ty phù hợp nhất, họ có thể không muốn làm việc ở chỗ khác có lương thấp hơn. Nhưng do thị trường việc làm, mọi người có thể có được mức lương tốt và cảm thấy vui hơn về chỗ làm của họ.”
Tuy nhiên, nhiều trường hợp nghỉ việc do giá trị của công ty cuối cùng có thể dựa trên điều kiện thuận lợi cho người lao động trên thị trường – xu hướng có lẽ là sẽ ngắn hạn.
“Tại một số thời điểm, mọi thứ có thể sẽ thay đổi, và cán cân quyền lực sẽ trở lại với bên sử dụng lao động – giá trị giữa hai bên sẽ lệch nhiều hơn khi số nhân viên vào ra giảm,” Bolino nói thêm. Đơn giản, lựa chọn của nhân viên có thể sẽ cạn kiệt, nhất là nếu họ muốn tìm các gói lương cao và điều kiện làm việc linh hoạt.
Bên cạnh sự trồi sụt thị trường việc làm, chi phí sinh hoạt gia tăng cũng có thể ảnh hưởng đến số người bỏ việc vì lý do đạo đức.
Suy cho cùng, đa số người đi làm đều muốn có mức lương ổn định. “Nếu nhân viên cảm thấy họ không có lựa chọn thay thế khả thi, họ ít có khả năng nhảy việc,” Bolino nói.
Đối với Jason, cuối cùng anh đã quyết định nghỉ việc vì lý do đạo đức. Bây giờ anh làm việc cho một công ty khởi nghiệp không chỉ phù hợp với các giá trị của anh, mà còn trả lương cao hơn.
Phải thừa nhận, nó khiến quyết định nhảy việc khả thi hơn mà cả đôi bên cùng có lợi vốn không nhất thiết là lựa chọn của nhiều nhân viên.
Rốt cuộc, nếu giá trị của công ty thay đổi rõ ràng, sẽ cần có một nhóm nhân viên nắm những siêu đặc quyền để bắt đầu thay đổi cơ chế giữa chủ lao động và nhân viên, từ đó buộc công ty phải ưu tiên đạo đức doanh nghiệp.
Jason hy vọng hành động của anh sẽ mở đường cho những người khác dần đem lại thay đổi.
“Tôi đã trả lời các đề nghị liên tục từ các công ty Big Tech bằng cách nói thẳng với họ rằng làm việc cho họ là đối lập về mặt đạo đức đối với tôi,” anh nói. “Không có gì khiến tôi có sức mạnh hơn là từ chối số tiền vô lý từ những người quyền lực nhất thế giới.”
Theo BBC