Có nên nhảy việc cuối năm? Cơ hội hay rủi ro?

Có nên nhảy việc cuối năm? Cơ hội hay rủi ro?

Ngày đăng: 13/12/2021 05:05 PM

    I. Lí do nhảy việc cuối năm

    Nhảy việc cuối năm có nên?

    Nhảy việc cuối năm có nên?

    1/ Chế độ lương thưởng trước mắt không còn phù hợp.

    Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên các công ty thường xuyên nghỉ việc. Trong những cuộc phỏng vấn ứng viên, đa số người trả lời cho rằng dù lý do này hay lý do khác thì chế độ đãi ngộ (lương và thưởng) là một trong những lý do khiến họ nhảy việc. Bạn đi làm để nuôi sống bản thân và gia đình, và đương nhiên nếu công việc không thể đáp ứng những yêu cầu đó, dù đã thực hiện rất chăm chỉ, hoàn thành tốt chỉ tiêu thì bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ.

    2/ Môi trường làm việc quá áp lực với bản thân.

    Công việc hiện tại khiến bạn cảm thấy rất không được thoải mái, bạn không thể hoà đồng với đồng nghiệp, bạn có một số mâu thuẫn với một cá nhân nào đó trong công ty không thể giải quyết… Những vấn đề liên quan đến môi trường làm việc thường là lí do khiến nhân viên có quyết định nghỉ việc. Lí do này chỉ đứng sau việc lương thưởng và đãi ngộ nhân viên hiện tại, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc.

    3/ Dám đương đầu với thử thách mới.

    Bạn là người có năng lực, có hoài bão, muốn được cống hiến thật nhiều trong công việc vì thế bạn chọn cách nhảy việc để đạt được mục đích của mình. Điều đó rất tốt, nhưng bạn hãy nhìn lại bản thân xem đã chuẩn bị đầy đủ và xác định rõ mục tiêu mình muốn tiến tới là gì chưa. Nếu nhảy việc trong lúc này có giúp được bạn gần đích hơn không? Bởi cuối năm là giai đoạn nhân sự ít có nhiều biến động, cũng vì thế mà số lượng cơ hội nghề nghiệp cũng giảm thiểu, khả năng lựa chọn định hướng cho tương lai hạn hẹp. Vì vậy hãy cân nhắc kỹ có nên nhảy việc cuối năm hay không, vì đây sẽ là bước đệm vô cùng quan trọng cho sự nghiệp của bạn trong cả năm tiếp tới.

    II. Cơ hội và rủi ro trong nhảy việc cuối năm

    Nhảy việc vào bất kỳ thời điểm nào bạn cũng cần phải có sự chuẩn bị thật tốt, nhất là trong giai đoạn nhảy việc cuối năm thì bạn lại càng phải cân nhắc thật kỹ. Bởi lẽ, với những cống hiến của bạn trong cả năm cho công ty cũ, thời điểm cuối năm chính là lúc bạn sẽ được xem xét để nhận những mức lương thưởng khác nhau xứng đáng với những gì mình phấn đấu. Từ bỏ công việc hiện tại sang môi trường mới, bạn có ít nhất 2 tháng thử việc đầy áp lực với những vấn đề về làm quen môi trường mới, mục tiêu doanh số cuối năm. Mức lương mới có vẻ cao hơn công việc cũ nhưng liệu có còn đáp ứng được với mong muốn trước khi nhảy việc của bạn?  

    Cơ hội và rủi ro

    Cơ hội và rủi ro trong nhảy việc cuối năm?

    1/ Cơ hội:

    Nếu nhảy việc cuối năm, cơ hội tìm được một công việc như bạn mong đợi khá cao. Bởi thời điểm này các công ty thường tuyển dụng nhiều để bổ sung nhân lực hoàn thiện chỉ tiêu doanh số, bên cạnh đó các vị trí cao cấp luôn được săn đón phục vụ cho nhu cầu quản lý đào tạo đội nhóm mới, nhanh chóng bắt nhịp công việc. Nhờ đó mà bạn sẽ có nhiều lựa chọn và không khó khăn để tìm được một công việc mới ưng ý, có nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng và phát triển bản thân.
     
    Nhảy việc cuối năm cho thấy bạn cũng là một người năng động, có chí tiến thủ và dám đương đầu với những thử thách mới. Điều này sẽ khiến cho nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao về bạn, nhưng hãy cẩn thận nếu không bạn sẽ bị đánh giá như những người không hoàn thành nhiệm vụ và trốn tránh những chỉ tiêu tại công ty cũ.

    2/ Rủi ro:

    Cuối năm các công ty có nhu cầu tuyển dụng nhiều, tuy nhiên bạn sẽ thấy hàng loạt những việc làm thời vụ, với những đãi ngộ cao nhưng không có tính ổn định lâu dài. Săn đón nguồn tin chính xác khá khó khăn, bên cạnh đó nhiều công ty tuyển dụng đăng tuyển cuối năm nhưng các vòng xét duyệt kéo dài đến tận đầu năm sau, bạn sẽ có 1 khoảng thời gian trống trong CV và trước mắt là đón tết với con số thưởng bằng 0 cho 1 năm phấn đấu. Nếu bạn không có chuẩn bị tốt có thể sẽ rơi vào tình trạng thất nghiệp, sẽ phải đối đầu với những ngày rong ruổi khắp nơi để nộp hồ sơ, phỏng vấn. Tất cả sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc của bạn. Vì thế hãy là người nhảy việc thông minh, biết nắm bắt cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bản thân trong sự nghiệp.

    Thời điểm nhảy việc cuối năm, nếu may mắn bạn sẽ có cơ hội để tìm được một công việc như những gì bạn mong muốn, nhưng hãy cân nhắc kỹ trước khi quyết định nhảy việc cuối năm. Một công việc tốt, lương cao, chế độ tốt không có nghĩa sẽ tốt hơn ở công ty cũ. Bởi lương cao, điều kiện làm việc tốt… sẽ đi kèm với áp lực công việc cao và có thể bạn sẽ phải chịu sự canh tranh của đồng nghiệp và một người sếp khó tính. Lúc đó mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn gấp trăm lần, nhất là cuối năm, khi mà khối lượng công việc và chỉ tiêu doanh số khiến các công ty phải gồng mình vận hành liên tục, bạn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đó với những áp lực không thể lường trước.

    Tham khảo thêm: Nhà Tuyển Dụng sẽ hỏi ứng viên 6 Điều Khi Ứng Viên “Nhảy” Việc Liên Tục

    Mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta khi nhảy việc đó là: Tìm một công việc phù hợp nhất để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho mình. Vì vậy đừng vội khi quyết định nhảy việc cuối năm. Hãy thể hiện mình là người có lựa chọn thông minh trong công việc để con đường sự nghiệp của bạn luôn suôn sẻ và có cơ hội thăng tiến nhanh.