1. Truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định về vấn đề truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng nếu hiểu tương tự như trường hợp truy lĩnh lương hưu thì truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp là việc hưởng quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp đáng lẽ đã được nhận trước đó nhưng vì một số lý do mà chưa nhận hoặc chưa nhận đủ.
Do không có quy định về trường hợp truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động muốn hưởng quyền lợi từ chế độ bảo hiểm thất nghiệp do trước đó không kịp hưởng thì vẫn phải đảm bảo các điều kiện như các trường hợp hưởng bảo hiểm thất nghiệp thông thường.
Cụ thể, nếu muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 bao gồm:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
Trừ trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
- Trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, phải đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Trừ các trường hợp không tìm được việc làm do thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…
2. Đã hưởng BHXH 1 lần có được truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp?
Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp là hai chế độ khác nhau, được quy định bởi các văn bản khác nhau là Luật BHXH và Luật Việc làm. Do đó, việc người lao động đã hưởng BHXH 1 lần sẽ không quyết định việc người lao động có được truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp hay không.
Người lao động muốn hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp đối với thời gian đóng trước đó thì vẫn phải đáp ứng các điều kiện đã nêu tại Mục 1.
Do đó, người lao động đã hưởng BHXH 1 lần vẫn có thể truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ 04 điều kiện sau:
- Đã chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.
- Trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, phải đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên.
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Vì vậy, để có thể hưởng nốt quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp sau khi rút BHXH 1 lần, người lao động phải đi làm và đóng bảo hiểm trở lại.
Sau này, khi người lao động nghỉ việc, quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp sẽ được tính trên tổng thời gian đóng bảo hiểm mà chưa hưởng, tức bao gồm cả quãng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi rút BHXH 1 lần.
Lưu ý, thủ tục truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp sau khi rút BHXH 1 lần sẽ phức tạp hơn so với các trường hợp hưởng bảo hiểm thông thường.
Bởi khi người lao động tiến hành thủ tục rút BHXH 1 lần, cơ quan BHXH sẽ tiến hành thu hồi sổ BHXH của người đó, trong đó kẹp toàn bộ tờ rời xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp, sau khi lãnh tiền bảo hiểm 1 lần, người lao động nên yêu cầu cơ quan BHXH cấp lại tờ rời bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để sau này gộp với quá trình đóng bảo hiểm sau này.
3. Thời gian tính hưởng bảo hiểm thất nghiệp được xác định thế nào?
Theo Điều 45 Luật Việc làm năm 2013, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi người lao động bắt đầu đóng cho đến khi người đó chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nói cách khác thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính hưởng chế độ được tính theo công thức sau:
Thời gian đóng bảo hiểm tính hưởng trợ cấp thất nghiệp |
= |
Tổng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp |
- |
Thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Trong đó, thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo nguyên tắc, mỗi tháng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp = 12 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Ví dụ, chị A có 40 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đã hưởng trợ cấp thất nghiệp 03 tháng. Sau đó, chị A đi làm lại và đóng tiếp 15 tháng bảo hiểm thất nghiệp rồi nghỉ việc. Lần này, tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính hưởng chế độ của người lao động được xác định như sau:
- Chị A đã hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp nên thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp = 3 x 12 tháng = 36 tháng.
- Tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tính hưởng chế độ = 40 tháng + 15 tháng - 36 tháng = 19 tháng.
Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: “Đã hưởng BXHH 1 lần có được truy lĩnh bảo hiểm thất nghiệp?”
Theo: LuatVietNam