1. Trốn thuế là gì? Hành vi nào được xác định là trốn thuế?
Trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức trái pháp luật nhằm giảm số thuế phải đóng hoặc trốn tránh việc đóng thuế cá nhân, doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, có các nhóm hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, chứng từ; hóa đơn không có giá trị sử dụng để kê khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
- Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa hoặc giảm số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm.
- Lập hóa đơn sai về số lượng, giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra làm căn cứ kê khai nộp thuế thấp hơn thực tế.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp; không kê khai, kê khai sai, không trung thực làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm.
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế.
- Sử dụng hàng hóa được miễn thuế, xét miễn thuế không đúng với mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế.
- Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán để làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu trái pháp luật trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn, hai sai căn cứ tính thuế phát sinh số thuế trốn, số thuế gian lận.
- Người nộp thuế dù đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.
2. Cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế bị xử phạt thế nào?
Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020. Theo đó, mức xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền bằng số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên.
- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
- Phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có một tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có hai tình tiết tăng nặng.
- Phạt tiền 03 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước;
- Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn;
- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có)…
3. Trốn thuế từ bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự?
Tùy theo mức độ vi phạm, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người nào thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền dưới đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế:
- Từ 100 triệu đồng trở lên; hoặc
- Dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Theo đó, các hành vi bị xử về Tội trốn thuế gồm:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; hồ sơ khai thuế;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích.
4. Mức phạt Tội trốn thuế mới nhất 2022
Cũng theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, mức phạt với Tội trốn thuế được quy định như sau:
4.1 Với cá nhân
Hình phạt chính
- Khung 01:
Phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 - dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị phạt tù về một trong các tội theo quy định mà chưa được xóa án tích.
- Khung 02:
Phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Khung 03:
Phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung:
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng;
- Bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4.2 Với pháp nhân thương mại
- Phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỷ đồng: Với pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi trốn thuế với số tiền:
+ Từ 200 - dưới 300 triệu đồng; hoặc
+ Từ 100 - dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
- Phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
+ Có tổ chức;
+ Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạt tiền từ 03 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm: Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên.
- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.
Theo: LuatVietNam