Khi cuộc đời xuống dốc, người ở lại giúp đỡ thì biết ơn; người đứng lên rời đi, cũng đừng oán trách.
Con người sống ở đời không thể tách rời khỏi các mối quan hệ. Nhiều người nói rằng bản thân không thích giao tiếp, chỉ muốn xa lánh xã hội, chối bỏ mọi sợi dây liên kết giao lưu. Nhưng họ đã quên rằng gia đình, bạn bè thân thiết cũng là mối quan hệ. Và để duy trì mạng lưới này không phải là chuyện dễ dàng.
Thay vì trốn tránh, hãy đối mặt và trở thành người thông minh trong đối nhân xử thế, giao tiếp hằng ngày.
1. Chuyện mình không bỏ tiền, không bỏ sức, không bỏ trí tuệ thì đừng bày tỏ ý kiến. Mọi ý kiến của bạn sẽ không có giá trị tham khảo, thậm chí còn bị cho là “kẻ thích chen ngang câu chuyện của người khác” hoặc “nhiều chuyện”.
2. Đến thăm nhà họ hàng, trước tiên hãy hỏi ý kiến về việc ngủ lại qua đêm, đừng cho việc “tiếp đãi tận tình” thành nhiệm vụ mà người khác sẽ làm. Trên thực tế, nhiều người không thích bị làm phiền đến không gian sống, và việc tiếp đãi đôi khi chỉ là miễn cưỡng.
3. Mượn tiền người khác mà không thể trả đúng hạn thì phải báo trước cho đối phương. Đừng để câu chuyện trôi trong im lặng, bạn sẽ đánh mất chữ tín, không còn được ai tin tưởng, đồng thời nhiều cơ hội và các mối quan hệ cũng tan thành mây khói.
4. Cha mẹ không thể chu toàn hết tất cả, tình thương trao đi đôi khi bên nhiều bên ít. Nếu chẳng may bạn là đứa con nhận ít tình yêu thương hơn, hãy rộng lượng bỏ qua. Bởi lẽ ai rồi cũng sẽ trưởng thành, chỉ có bản thân mới biết thương lấy mình nhất!
5. Ông bà chăm cháu là điều may mắn và nên biết ơn. Nhưng đây không phải là trách nhiệm của họ. Nếu họ không đồng ý, đừng oán trách, vì nuôi con dưỡng cái hoàn toàn là nghĩa vụ của bạn, mà không phải ai khác.
6. Bạn bè mời ăn một bữa, hãy ghi nhớ và mời lại bữa khác. Quan hệ dù có thân thiết đến đâu cũng phải đảm bảo cán cân giữa đôi bên luôn cân bằng, có qua có lại. Bạn mời tôi hôm nay, tôi mời bạn hôm khác.
7. Mượn xe của bạn, trả lại nhớ đổ đầy xăng. Nếu không hãy mời bạn một bữa, đôi khi chỉ là ly trà sữa nhỏ cũng khiến đối phương vui lòng. Đây là phép lịch sự cơ bản trong các mối quan hệ hằng ngày.
8. Khi trò chuyện với người khác, bạn nên nhường quyền chủ động cho đối phương để họ có thể nói nhiều hơn. Đương nhiên quan trọng hơn cả, hãy là người biết lắng nghe. Bình tâm lắng nghe và thấu hiểu là một năng lực không phải ai cũng có, cũng là biểu hiện của người sở hữu EQ cao.
9. Trong lúc người khác đang nói, bạn không nên ngó nghiêng xung quanh hay sử dụng điện thoại, đây là thói quen rất bất lịch sự, không tôn trọng đối phương. Nếu muốn được tôn trọng thì trước tiên hãy cho đi sự tôn trọng.
10. Đến nhà làm khách, không nên đi tay không, hãy mang theo chút quà mọn. Không cần trân quý giá trị, chỉ cần tấm lòng và phép tắc.
11. Gặp người quen trên đường, ngoại trừ trường hợp đoạn tuyệt quan hệ và không thể nhìn mặt nhau thì chúng ta ít nhất cũng nên gật đầu mỉm cười, đừng giả vờ không quen biết.
12. Không nên dùng kinh nghiệm và quan điểm của mình để đánh giá cuộc sống và hành động của bất cứ ai. Mỗi người có một cuộc sống riêng, không ai giống ai. Bạn cảm thấy điều này đúng đắn, nhưng đối với người khác lại sai lầm. Suy cho cùng, những bất đồng ở đây xuất phát từ cách nhìn nhận vấn đề và quan niệm của mỗi người.
13. Khi được ai đó mời ăn, đừng dẫn theo bạn bè hoặc người nhà đi cùng. Bạn không thể biết được khả năng kinh tế của đối phương đến đâu, hành động này đôi khi khiến họ rơi vào thế khó xử.
14. Khi cuộc đời xuống dốc, người ở lại giúp đỡ thì biết ơn; người đứng lên rời đi, cũng đừng oán trách. Bởi lẽ không ai có trách nhiệm giải quyết khó khăn của chúng ta. Thay vì giận hờn người khác không giúp mình, hãy tập trung vào vấn đề hiện tại và ghi ơn những người đã chịu dang tay.
15. Đừng thông báo với cả thế giới những kế hoạch chưa thành công. Một khi thất bại, bạn sẽ trở thành trò cười cho người khác. Song nếu thành công mỹ mãn, hãy tự mua vui cho chính mình, đừng nói nhiều vì chỉ rước thêm về sự ganh ghét.
Theo Phụ Nữ Việt Nam