Mức xử phạt trốn đóng BHXH, BHTN mới nhất năm 2020

Mức xử phạt trốn đóng BHXH, BHTN mới nhất năm 2020

Ngày đăng: 14/08/2021 10:04 AM

    MỨC XỬ PHẠT TRỐN ĐÓNG BHXH, BHTN MỚI NHẤT NĂM 2020

    Mới đây, Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/03/2020  quy định về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo đó, mức xử phạt trốn đóng BHXH, BHTN năm 2020 của người sử dụng lao động đối với các trường hợp vi phạm được quy định rõ ràng.


    I. Hành vi trốn đóng BHXH
    Hành vi trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động được được quy định như thế nào? Rất nhiều người sử dụng lao động chưa nắm được hoặc cố tình làm sai, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của của người lao động.

    Căn cứ theo Khoản 10, Điều 2, Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP hành vi trốn đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động là hành vi  của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH. 

    Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/03/2020 quy định xử phạt hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về mức xử phạt đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trốn đóng BHXH. 

    II. Mức xử phạt đối với trường hợp trốn đóng BHXH mới năm 2020
    Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH, BHTN hoặc có các hành vi vi phạm khác liên quan đến việc đóng BHXH, BHTN sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo luật quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

    1. Mức xử phạt đối với trường hợp trốn đóng BHXH 
    Căn cứ vào Khoản 5, Khoản 6, Điều 38, Nghị định 28/2020/NĐ-CP về việc vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải chịu mức phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”

    2. Mức xử phạt các hành vi vi phạm khác liên quan đến BHXH, BHTN của người sử dụng lao động theo luật mới.
    Cũng trong Nghị định 28/2020/NĐ-CP tại Điều 1, Điều 2, Điều 3 quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm khác liên quan đến BHXH, BHTN của người sử lao động. 

    Cụ thể các vi phạm và mức phạt đối với người sử dụng lao động như sau:

    - Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu:

    + Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 của Luật Bảo hiểm xã hội.

    + Không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BHTN cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định.

    + Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu: 

    + Không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BHTN theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

    - Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 nếu:

    + Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

    + Đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.

    + Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

    Ngoài ra tại Điều 38 của Nghị định này còn quy định việc xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

    Mức xử phạt trốn đóng BHXH, BHTN mới nhất năm 2020

    III. Mức xử phạt tái phạm các hành vi vi phạm liên quan đến BHXH
    Mức phạt đối với người sử dụng lao động tái phạm các hành vi vi phạm liên quan đến BHXH đặc biệt là trốn đóng BHXH theo luật nặng hơn rất nhiều so với vi phạm lần đầu. 

    Căn cứ vào Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) người sử dụng lao động tái phạm các vi phạm liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sẽ chịu mức phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm (quy định tại Khoản 1, Điều này) đối với trường hợp gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm trong các trường hợp: 

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

    - Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm (quy định tại Khoản 2, Điều này) nếu thuộc các trường hợp:

    + Phạm tội 02 lần trở lên.

    + Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

    + Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người.

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại Điểm a hoặc Điểm b khoản 1 Điều này.

    - Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm (quy định tại Khoản 3, Điều này) nếu:

    + Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

    + Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;

    + Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.

    Tại Khoản 4, Điều 216, Bộ luật hình sự 2015 còn nêu rõ người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1- 5 năm.

    Tại Khoản 5 còn quy định các pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều này.

    - Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng nếu Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều này.

    - Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều này.

    Trốn đóng BHXH, BHTN người sử dụng lao động sẽ bị phạt hành chính rất nặng theo quy định. Không chỉ xử phạt hành chính người sử dụng lao động vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự phạt tù tới 7 năm.

    Những chia sẻ về mức phạt trốn đóng BHXH, BHTN năm 2020 theo quy định mới hy vọng sẽ hữu ích cho quý vị và bạn đọc. Nếu có thắc mắc hoặc cần tư vấn gì thêm về mức phạt đối với các hành vi vi phạm trốn BHXH, BHTN quý vị và bạn đọc có thể liên hệ cho chúng tôi Hotline 0903 621 345 để được hỗ trợ tốt nhất.