1. Ngạch công chức là gì?
* Khái niệm:
Theo khoản 4 điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 thì ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Cho nên có thể hiểu, ngạch công chức là chức danh của công chức được phân theo thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức.
* Các hình thức nâng ngạch công chức hiện nay
Theo quy định mới nhất tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019 thì hiện nay có hai hình thức nâng ngạch công chức là thi nâng ngạch và xét nâng ngạch.
Việc nâng ngạch công chức không được thực hiện tùy ý mà phải căn cứ vào số lượng chỉ tiêu, vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và thông qua hai hình thức nâng ngạch.
2. Điều kiện xét nâng ngạch công chức
Công chức được xét nâng ngạch khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại khoản 3 điều 30 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:
“a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;
b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn;
c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu khác về tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch dự thi”
Ngoài những tiêu chuẩn, điều kiện nêu trên, công chức còn phải thuộc một trong các trường hợp, đó là:
-
Có thành tích xuất sắc được cấp có thẩm quyền công nhận trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ;
-
Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Thêm vào đó, Chính phủ cũng quy định rõ yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức như sau:
- Công chức phải được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở đối với xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
-
Công chức được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
-
Công chức được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương.
-
Nhìn chung, để tham gia xét nâng ngạch thì công chức phải đáp ứng các điều kiện về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phải có thành tích xuất sắc, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, không bị kỷ luật và đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của vị trí việc làm tại ngạch công chức muốn xét.
3. Thủ tục xét nâng ngạch công chức năm 2023
Để tham gia xét nâng ngạch, công chức cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ và tuân thủ đúng quy trình theo quy định của pháp luật.
* Hồ sơ xét nâng ngạch công chức:
Tùy thuộc vào tiêu chuẩn vị trí việc làm của ngạch công chức muốn xét mà có những yêu cầu khác nhau về hồ sơ, dưới đây là bộ hồ sơ chung để xét nâng ngạch công chức được quy định tại khoản 2 điều 36 Nghị định 138/2020/NĐ-CP:
-
Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của cơ quan quản lý, sử dụng công chức);
-
Bản nhận xét, đánh giá của người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng công chức;
-
Bản sao văn bằng, chứng chỉ (theo yêu cầu của ngạch dự thi);
-
Bản sao các văn bản minh chứng về tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch công chức như thành tích xuất sắc, trình độ chuyên môn,...
-
Các yêu cầu khác theo quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức xét;
* Quy trình xét nâng ngạch công chức:
Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào nêu rõ quy trình xét nâng ngạch đối với công chức, tuy nhiên dựa vào các quy định tại điều 31, 70, 71 Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Quyết định số 222/QĐ-BCT Ban hành quy chế về việc tuyển dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch công chức và công tác cán bộ của Bộ Công Thương, ta có thể xác định trình tự thực hiện xét nâng ngạch công chức theo các bước sau:
-
Bước 1: Cơ quan sử dụng công chức báo cáo cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch đối với công chức đáp ứng đủ điều kiện.
-
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền lập danh sách công chức có đủ điều kiện và đưa ra thông báo.
-
Bước 3: Công chức chuẩn bị hồ sơ và nộp cho cơ quan có thẩm quyền: Cơ quan quản lý công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện của công chức được xét nâng ngạch và lưu giữ, quản lý hồ sơ đăng ký xét nâng ngạch của công chức theo quy định.
-
Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền phối hợp với Bộ, ngành có liên quan tổ chức đợt xét nâng ngạch công chức.
-
Bước 5: Thông báo kết quả: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức xét nâng ngạch công chức, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo kết quả đến công chức, sau đó tiến hành bổ nhiệm ngạch đối với công chức trúng tuyển.
Trên đây là một số thông tin tư vấn cho bạn đọc liên quan đến điều kiện, thủ tục xét nâng ngạch công chức năm 2023
Theo: Luật Việt Nam