Phụ cấp khu vực là gì?
Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT có hiệu lực từ ngày 25/1/2005 quy định:
Các chế độ phụ cấp lương
3. Phụ cấp áp dụng đối với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu.
Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung. Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc lực lượng vũ trang, phụ cấp được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì.
Theo đó, phụ cấp là khoản nhằm bù đắp cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đang làm việc ở những vùng khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại và sinh hoạt khó khăn; nhằm mục đích góp phần ổn định lao động những vùng có địa lí tự nhiên không được thuận lợi.
Quy định mới nhất
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 69/2022/QH15 ban hành ngày 11/11/2022 của Quốc hội, kể từ ngày 1/7/2023 tiền lương cơ sở tăng lên thành 1.800.000 đồng/tháng (mức tiền lương cơ sở cũ là là 1.490.000 đồng/tháng). Theo đó, từ ngày 1/7/2023, phụ cấp cũng được tăng lên phù hợp với mức lương cơ sở mới.
Mức tiền phụ cấp và hệ số mới nhất
Căn cứ Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, mức tiền phụ cấp và hệ số phụ cấp khu vực mới nhất như sau:
Hệ số phụ cấp khu vực | Mức tiền phụ cấp khu vực (VNĐ) | |
---|---|---|
Trước ngày 1/7/2023 | Từ ngày 1/7/2023 | |
0,1 | 149.000 | 180.000 |
0,2 | 298.000 | 360.000 |
0,3 | 447.000 | 540.000 |
0,4 | 596.000 | 720.000 |
0,5 | 745.000 | 900.000 |
0,7 | 1.043.000 | 1.260.000 |
1,0 | 1.490.000 | 1.800.000 |
Lưu ý: Hệ số 1,0 chỉ áp dụng đối với những hải đảo đặc biệt khó khăn như quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Cách tính phụ cấp khu vực mới nhất
Mức tiền phụ cấp khu vực = hệ số phụ cấp khu vực x mức lương tối thiểu chung (1.800.000 đồng)
Riêng các đối tượng hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ quân đội hoặc công an thì mức phụ cấp được tính bằng 0,4 lần mức phụ cấp của các đối tượng khác. Cụ thể thì mức tiền phụ cấp = hệ số phụ cấp khu vực x mức lương tối thiểu chung x 0,4
Cách tính trả phụ cấp
a) Phụ cấp được xác định, tính trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc; được xác định, tính toán, chi trả theo nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
b) Phụ cấp được trả cùng kỳ lương, phụ cấp, trợ cấp hàng tháng.
c) Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi.
Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp
a) Đối với người đang làm việc
- Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
- Đối với các cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
- Đối với các công ty nhà nước, phụ cấp được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
b) Đối với những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương; thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ BHXH:
- Đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả, phụ cấp được chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành;
- Đối với các đối tượng do Quỹ BHXH chi trả, phụ cấp do Quỹ BHXH bảo đảm.
Đối tượng và phạm vi áp dụng
Căn cứ Mục I Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT, đối tượng và phạm vi áp dụng phụ cấp khu vực 2023 cụ thể như sau:
(1) Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và lao động hợp đồng đã được xếp lương theo bảng lương do nhà nước quy định làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.
(2) Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.
(3) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
(4) Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
(5) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
(6) Những người làm việc trong các công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển và bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty nhà nước), gồm:
- Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị; thành viên Ban kiểm soát.
- Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (không kể Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc hoặc Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).
- Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh; viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và nhân viên thừa hành, phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
(7) Những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương.
(8) Thương binh (kể cả thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh), bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Nguyên tắc xác định phụ cấp khu vực là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Mục II Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT quy định nguyên tắc xác định phụ cấp khu vực cụ thể như sau:
a) Các yếu tố xác định phụ cấp:
Yếu tố địa lý tự nhiên như: khí hậu xấu, thể hiện ở mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, độ cao, áp suất không khí, tốc độ gió,… cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;
Xa xôi, hẻo lánh (mật độ dân cư thưa thớt, xa các trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, xa đất liền…), đường xá, cầu cống, trường học, cơ sở y tế, dịch vụ thương mại thấp kém, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của con người:
Ngoài ra, khi xác định phụ cấp khu vực có thể xem xét bổ sung các yếu tố đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, sình lầy.
b) Phụ cấp khu vực được quy định chủ yếu theo địa giới hành chính xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước đóng trên địa bàn xã nào thì hưởng theo mức phụ cấp khu vực của xã đó. Một số trường hợp đặc biệt đóng xa dân hoặc giáp ranh với nhiều xã được xem xét để quy định mức phụ cấp khu vực riêng.
c) Khi các yếu tố dùng xác định phụ cấp khu vực hoặc địa bàn xã thay đổi (chia, nhập, thành lập mới…), phụ cấp khu vực được xác định hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp.
Phụ cấp khu vực có tính đóng BHXH?
Theo quy định tại Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, từ ngày 1/1/2018 tiền lương và tiền công làm cơ sở đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) được thực hiện như sau:
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở. Như vậy đối với cán bộ, giáo viên mà hưởng lương theo hệ số lương thì không phải đóng phụ cấp.
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện theo chế độ tiền lương do đơn vị sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là mức lương và các khoản phụ cấp theo lương được quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2 và các khoản bổ sung khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Cách tính phụ cấp khu vực khi nghỉ hưu
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP: Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định trên cơ sở tiền lương đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 20, Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc có quy định: Tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc, quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Do đó, phụ cấp không được quy định tính lương hưu hàng tháng.
Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định đối tượng áp dụng phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng cụ thể như sau:
(1) Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH 1 lần kể từ ngày 1/1/2016 trở đi, mà trước ngày 1/1/2007 đã có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc BHXH 1 lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp 1 lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng BHXH.
Thân nhân của người lao động có thời gian đóng BHXH bao gồm phụ cấp nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc BHXH 1 lần mà bị chết từ ngày 1/1/2016 trở về sau thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng trợ cấp 1 lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp đã đóng BHXH.
(2) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 1/1/2016, đang hưởng phụ cấp tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ. Trường hợp nơi thường trú mới không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp.
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Goodjob Việt Nam chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ phụ cấp khu vực là gì và quy định về phụ cấp khu vực cũng như hệ số phụ cấp khu vực mới nhất. Đừng quên theo dõi các chủ đề mới nhất của Googjob Việt Nam để nắm rõ các quy định, chính sách hành chính quan trọng khác nhé!
Nguồn: Luật Việt Nam