“Cà phê cùng Tony” là cuốn sách có sức hút đông đảo giới trẻ hiện nay của Tony Buổi Sáng. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều điểm nhấn thú vị, tựu chung lại là một đầu óc trí tuệ với những trí lý giản đơn, chứa đầy năng lượng tích cực ẩn sâu trong từng câu chữ hài hước mỉa mai. là tập hợp những bài viết trên mạng xã hội của tác giả Tony Buổi Sáng về những bài học, câu chuyện anh đã trải nghiệm trong cuộc sống. Đúng như tên gọi, mỗi bài nhẹ nhàng như một tách cà phê, mà bạn trẻ có thể nhận ra một chút gì của chính mình hay bạn bè mình trong đó: Từ chuyện lớn như định vị bản thân giữa bạn bè quốc tế, cho đến chuyện nhỏ như nên chú ý những phép tắc xã giao thông đường.
"Cà phê cùng Tony" gồm hai phần lớn: Phần 1 là Chuyện của Tony, phần 2 là Tony và bạn trẻ. Cuốn sách 250 trang được "Dượng Tony" viết bằng ngôn ngữ cư dân mạng theo lối kể chuyện trào phúng, hài hước giúp bạn trẻ dễ tiếp nhận. Nội dung sách đi sâu vào tiềm thức của mỗi người đọc nhờ những câu chuyện sinh động, thiết thực nhưng pha vào đó là sự hài hước, gây ấn tượng, khiến người đọc khó lòng quên được. Mọi thứ đều xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của một người từng trải, nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống muôn vẻ này.
Mỗi câu chuyện trong sách là một góc nhìn của Tony về thực trạng xã hội, văn hóa ứng xử của con người được kể lại một cách dí dỏm đồng thời cũng châm biếm một cách sâu cay có nét đặc sắc giống của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Từ những chuyện nhỏ nhặt đời thường, những tính xấu tiểu nông chốn công sở, những vụn vặt của đời sinh viên cho tới những vấn đề mang tính thời sự hơn như sự nhẹ dạ cả tin của bà con nông dân với thương lái Trung Quốc, những niềm tự hào đáng quên trong tinh thần Á Đông mê muội, câu chuyện ở Harvard, chuyện ở West Point,...
Phần 1: Chuyện của Tony
Muốn bàn chuyện lớn, trước hết phải học: Học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, nhưng học chính là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công. Những tỷ phú vẫn học, học nhiều hơn chúng ta là đằng khác, còn học ti tỉ thứ gì đằng sau đó thì chúng ta chưa thể biết hết được.
Đương nhiên, học gì thì học, việc học ngoại ngữ vẫn cần được ưu tiên hàng đầu: Ngoài thế giới biết bao nhiêu châu lục đang chuyển mình từng ngày, mình chẳng lẽ chịu khoanh tay đứng nhìn, tự tạo cho mình bức tường kín ngăn cách với thế giới rộng lớn?
"Con bệnh" trong thế kỉ mới: Hai con bệnh được Tony đặt cho hai cái tên khá hài hước nhưng về căn bản vẫn là lời tự sự, tâm tình và lời nhắn nhủ của tác giả đến các bạn trẻ.
Bệnh Parkinson - Hãy biến mình thành người chủ động. Người trẻ ở nước mình thường thiếu tự tin khi phải đứng trước đám đông để thuyết trình về một vấn đề nào đó. Dù muốn hay không muốn, khi đi làm viễ, kĩ năng giao tiếp tự tin là yếu tốt then chốt quyết định mọi sự thành hay bại của một công việc. Dù trong đầu bạn có vô vàn ý tưởng, nhưng lại không thể diễn đạt nó ra ngoài thì mọi chuyện cũng khó mà thành công cho được.
Bệnh Cocky - Hãy là người tự tin thôi chứ đừng tự mãn. Bệnh này cũng không hoàn toàn xấu. Cần phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, vì nó chính là cứu cánh cho chính những người trẻ chúng ta.
Bàn về chuyện ăn, chơi và làm: Cố gắng thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho khoa học thì khi ấy sức khỏe mới dồi dào, mới có thể làm việc hiệu quả. Bạn làm gì, công việc của bạn được hoàn thành ra sao, cấp trên luôn là người tinh tường và hiểu rõ hơn bất kì ai hết vậy nên cứ làm hết sức thì đương nhiên kết quả bạn nhận được sẽ xứng đáng.
Tác giả khôn khéo tổng hợp các câu chuyện và viết thành "Chuyện của Tony" nhưng ai ai đọc qua rồi cũng có chung một nhận định: có thể là chuyện của chính chúng ta, những thói hư tật xấu mà không chỉ người trẻ mà bất cứ ai rồi sẽ cũng đã gặp và sẽ gặp.
Có lẽ đọc xong một vài chương của cuốn sách này, không ai hy vọng chúng ta rồi sẽ tốt đẹp lên, sẽ tự tin tỏa sáng không mắc bệnh Parkinson, bệnh Cocky nữa,...nhưng ít nhất cũng sẽ hạn chế được phần nào tính tiểu nông khôn lanh vụn vặt.
Phần 2: Tony và bạn trẻ.
Ở phần 2 của cuốn sách, tác giả tiếp tục những câu chuyện còn bỏ ngỏ ở phần một. Tony dành nhiều nội dung hơn để bàn về chuyện ăn nói, chuyện chửi, chuyện yêu và ti tỉ kinh nghiệm và lời khuyên cho các bạn trẻ được rút ra từ những chuyện đời thường. Cho dù mỗi bài viết riêng trong từng trang sách đều kể về những câu chuyện riêng, dù là phê phán những thói hư tật xấu hay bệnh tiểu nông vụn vặt, thì sau tất cả, đều được Tony nhấn mạnh quy về một bài học duy nhất về sự trung thực.
Bạn đã từng có những nhược điểm mà Tony đề cập? Bạn có từng phết phẩy và ma lanh hóa, có từng ganh đua với bạn bè đồng nghiệp, có từng ngáo ngơ trong phỏng vấn tìm việc, có từng lấp liếm vì làm điều xấu,...Nếu hơn một nửa những thói hư tật xấu nói trên bạn chưa dính hoặc đã khắc phục được thì xin chúc mừng, còn không thì hãy tập sửa bằng cách đọc hết từng lời tâm sự thủ thỉ của Tony.
Khi đã khắc phục hết được những nhược điểm căn bản kể trên, cũng là lúc những người trẻ của thời đại mới hướng đến những biển cả bao la hơn, vượt ra khỏi ao làng tìm chốn biển rộng, trời cao để vùng vẫy.
Có thể nói rằng "Cà phê cùng Tony" của Tony Buổi Sáng là cuốn sách được viết ra nhằm khuyến khích văn hóa đọc với bạn trẻ trong thời đại văn hóa nghe nhìn đang chiếm dần ưu thế. Và cuốn sách được viết ra dành cho những người đang cần đến nó, nếu bạn đang hoang mang trước những lựa chọn của bản thân, nếu bạn thiếu đi kỹ năng giao tiếp thì cuốn sách chính là thứ bạn cần tìm. Chúng ta còn trẻ, còn tương lai tỏa sáng, đừng để thanh xuân vội vã phải hối hận. "Tuổi trẻ cần như vậy. Dám đi, dám nghĩ, dám dấn thân,...Biển rộng trời cao cứ vẫy vùng."
Nội dung sách không đặt ra những nguyên tắc nhất định, cũng chẳng hề có những câu thôi thúc người đọc cần làm gì, chỉ bằng những câu chuyện hài hước nhưng không hề kém phần sâu sắc, "Cà phê cùng Tony" đã tạo cảm hứng thay đổi bằng phương pháp hướng chúng ta tới việc tự nhận thức thông qua từng tình huống để suy nghĩ những hành động riêng cho bản thân.
Cre: reader.com