Review sách hay - Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Review sách hay - Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật

Ngày đăng: 08/06/2022 07:41 PM

    Đồ đạc không còn quan trọng với chúng ta nữa”

    Ngay đầu cuốn sách, tác giả đã nói rất rõ ràng, thẳng thắn quan điểm của anh về lối sống tối giản. Rằng đồ đạc ít đi thì con người sẽ sống hạnh phúc hơn. Và chúng ta cần sống một lối sống ít vật chất hơn để có thể tận hưởng được cuộc sống nhiều hơn. Nhưng lược bớt đồ đạc đi đâu phải chuyện dễ và đâu phải ai cũng có thể vứt bỏ đồ đạc?

    Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn cách sống tối giản THỰC SỰ bằng việc lược bỏ những đồ đạc không mấy cần thiết trong nhà. Từ việc hình thành những suy nghĩ về “vứt đồ” cho tới hành động quyết đoán, như là:

    • Gạt bỏ những suy nghĩ “Không thể vứt được”.
    • Bắt đầu vứt những loại rác thải trước.
    • Chuyển những kỷ niệm (ảnh, thiệp, quà..) thành dữ liệu trong ổ cứng.
    • “Giả vờ” vứt thử.
    • Mua 1, giảm 1.
    • Bán hoặc cho thuê bớt đồ đạc

    Vậy sau khi vứt đồ đạc, chúng ta có được gì?

    Tác giả đã chỉ ra rất nhiều lợi ích mà việc vứt đồ đã đem lại qua chính kinh nghiệm thực tế của anh như sau:

    • Có thời gian hơn: Ít đồ đạc đồng nghĩa với việc không gian bạn ở sẽ trở nên rộng rãi hơn. Vì vậy bạn cũng sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, lau chùi. Từ đó có thời gian để làm những việc khác.
    • Cảm giác tự do, được giải phóng bản thân: Khi bạn có ít đồ đạc, bạn sẽ không phải nhớ bạn có những gì, bạn để chúng ở đâu. Tự khắc, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái.
    • Nâng cao sức tập trung: Bạn có thể rèn luyện được khả năng tập trung hơn vì khi xung quanh ít đồ đạc, bạn sẽ không bị bất cứ cái gì làm phân tâm, sao lãng nữa.
    • Tiết kiệm: Khi sống một lối sống ít đồ đạc, nhu cầu của bạn trở nên ít đi, bạn cũng sẽ tập được thói quen đơn giản hóa mọi thứ. Do đó, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí mua sắm mới, giảm thiểu mua đồ tích trữ hay những đồ dư thừa, không cần thiết.
    • Cảm nhận hạnh phúc: Với những ai chưa từng 1 lần “sống tối giản” có lẽ sẽ thấy khó hiểu nhưng sự thật thì lối sống này có thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Khi cuộc sống ít vật chất hơn, chúng ta sẽ chú trọng đến tinh thần. Mà khi chúng ta đã đơn giản hóa được suy nghĩ thì bất cứ điều nhỏ bé nào cũng sẽ khiến chúng ta vui vẻ và hạnh phúc.

    Dẫu biết những điều tác giả nói trong cuốn sách khá hợp lý và đúng đắn, nhưng nó lại rất mâu thuẫn với mình:

    • Tác giả cho rằng nên vứt hết thiệp, quà, ảnh và chuyển chúng thành các dữ liệu trên máy tính => Mình phải thừa nhận là ảnh, thiệp, quà là những thứ đôi khi gây “phiền toái” vì chúng ta cứ phải bảo quản và để nó nằm một chỗ vô thời hạn. Nhưng chúng là kỷ niệm, là thành ý, có khi là công sức miệt mài của người tặng. Thực sự thì không thể nào vứt đi được. Dù biết rằng chúng ta trân trọng tình cảm của người đó nhưng thử nghĩ mà xem, khi bạn bỏ công bỏ sức ra làm 1 món quà rất tâm huyết nhưng người nhận lại vứt chúng đi chỉ vì họ theo đuổi lối sống tối giản. Bạn có chấp nhận được lý do đó không? Giải pháp cho vấn đề này mình nghĩ là bạn nên có riêng 1 album lưu giữ ảnh và hạn chế in ảnh, cất thiệp và quà ở gọn một chỗ, quà tặng nào dùng được thì mang ra tận dụng chứ không “để dành” thêm nữa.
    • Tác giả tối giản quần áo bằng cách mặc đi mặc lại vài món đồ cơ bản với những gam màu cơ bản => Xin thưa là cách này sẽ giúp bạn giảm thời gian đắn đo lựa chọn quần áo, không phải nghĩ “hôm nay mặc gì”. Chuyện này với con trai có thể ok, nhưng với con gái chúng mình, làm sao có thể mặc đi mặc lại mãi vài ba chiếc quần chiếc áo đơn sắc phải không? Bởi vì mình theo trường phái “duy mỹ”, nên cái gì cũng cần phải “đẹp”. Cho nên để giải quyết chuyện này, chúng ta có thể tận dụng những món đồ đang có, thêm thắt phụ kiện để phối thành nhiều bộ đồ khác nhau. Chỉ mua những gam màu, họa tiết cơ bản có thể kết hợp với nhiều thứ, như vậy chúng ta sẽ hạn chế phải mua mới mà vẫn có nhiều bộ để mặc cho nhiều dịp.
    • Quy tắc 23 “Đừng trở thành nhà sáng tạo khi vứt đồ”“Mỗi khi vứt đồ, chúng ta có thể nảy ra những ý tưởng sáng tạo đáng kinh ngạc mà bình thường không bao giờ nghĩ đến”. Mình phải công nhận điều này rất ĐÚNG. Tuy nhiên, mình nghĩ những ý tưởng sáng tạo cũng rất hay ho và nếu có thể tái chế, tận dụng được thì vẫn nên tận dụng. Dù sao thì thải ra quá nhiều rác cũng không có thân thiện với môi trường lắm, nhỉ?

    Bên trên là một vài ví dụ mình cảm thấy đi ngược với quan điểm của mình nên mình khá phản đối. Tuy nhiên mình vẫn phải thừa nhận rằng hầu hết những điều tác giả chỉ ra về lối sống tối giản đều hợp lý và hay ho. Nếu bạn có thể áp dụng được, chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn.

    Một điểm cần chú ý nữa là thường thường, diện tích nhà ở tại Nhật rất nhỏ, có trần thấp, kiến trúc khá bí bách, trong khi chi phí thì đắt đỏ. Cho nên, việc tối giản không gian sống là chuyện gần như cấp thiết với mỗi người dân tại Nhật Bản. Đó là lý do tại sao tác giả lại chú trọng đến việc “vứt hết” đồ đạc đi như thế. Nếu áp dụng theo 100% giống như tác giả nói vào không gian nhà ở trung bình tại Việt Nam với lối kiến trúc rộng rãi, thông thoáng, thì mình nghĩ nhìn sẽ không khác gì cái nhà hoang, thật sự =)).

    Mình nghĩ cuốn sách này rất đáng để học tập nếu bạn muốn theo đuổi lối sống tối giản. Tuy nhiên tùy vào quan điểm, nhu cầu, thói quen, sở thích cá nhân mà điều chỉnh cho phù hợp nhất là được.

    Về phần bìa thiết kế khá đơn giản với bức hình minh họa về lối sống tối giản. Nhìn chung cũng không đến nỗi nhưng với mình nó chưa đủ nói lên sự tinh tế của việc “tối giản” mang lại.