Nicola Yoon là nhà văn nữ người Mĩ gốc Jamaica. Cô đã lấy nguồn cảm hứng từ chính con gái nhỏ của mình để viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tay “Nếu chỉ còn một ngày để sống” – tựa gốc “Everything, Everything”.
Cuốn sách đã leo lên vị trí số 1 trên bảng xếp hạng những cuốn sách bán chạy nhất do tờ New York Times bình chọn và đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, ra mắt vào tháng 5 năm 2017. Ngay từ khi công chiếu, bộ phim đã gây bão tại các phòng vé trên toàn thế giới kéo theo cơn sốt tìm đọc cuốn sách đặc biệt này đến từ các fan yêu thích bộ phim.
“Nếu chỉ còn một ngày để sống” kể về câu chuyện tình yêu của Madeline Whitter – một cô gái mang trong mình căn bệnh SCID – một dạng “Thiếu hụt Miễn dịch Tổ hợp Trầm trọng”, được biết đến như “Hội chứng em bé bong bóng”, không thể tiếp xúc với thế giới bên ngoài và chàng trai tên Olly – người hàng xóm mới chuyển đến đối diện nhà Maddy, có vẻ ngoài khỏe khoắn, yêu thể thao và các môn chạy nhảy, vận động.
Cuộc sống của “em bé bong bóng”
Vì mắc bệnh SCID bẩm sinh và mất khả năng chống chọi với các bệnh nhiễm trùng, Madeline hay thường gọi Maddy phải sống trong một căn phòng màu trắng với tất cả mọi đồ vật đã qua khử trùng trong suốt 17 năm. Cô nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ mẹ – một bác sĩ chuyên nghiệp, và một cô y tá. Mỗi ngày, Madeline thức dậy, làm bài tập, tham gia các lớp học qua Skype, đọc sách và viết bài cho một trang Tumblr chuyên bình sách. Buổi tối, cô dành thời gian xem phim hay chơi các trò chơi cùng mẹ. Cô không được đến trường, không được hít thở khí trời, không được tiếp xúc với người lạ cũng như thế giới bên ngoài. Những vị khách muốn ghé thăm Maddy phải chấp nhận kiểm tra bệnh sử cũng như kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi được khử trùng trong suốt một tiếng đồng hồ. Cuộc sống của cô cứ lặp đi lặp lại chuỗi ngày tháng đơn điệu, êm đềm đến nhàm chán trong căn phòng kín ấy – như một quyển sách mới, phẳng phiu và sạch sẽ.
“Hôm nay chẳng khác gì hôm qua. Ngày mai cũng giống hệt ngày hôm nay. Trong cuốn sách về cuộc đời em, chương nào cũng giống hệt chương nào.
Cho tới khi anh xuất hiện”.
Chàng trai nhà đối diện – Oliver hay Olly, là con trai lớn trong gia đình, sở hữu vẻ ngoài cao, gầy và ưa thích thể thao. Olly chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất khiến Maddy dần tò mò về thế giới bên ngoài. Maddy bị thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên qua ô cửa sổ.
Câu chuyện của tình yêu thương
Nicola Yoon đã viết cuốn sách bằng tình yêu thương thiêng liêng của người mẹ dành cho con gái mình, nên không khó để người đọc cảm nhận được tình cảm yêu thương đong đầy và sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo của người mẹ dành cho Maddy trong cuốn sách. Mạch cảm xúc của cuốn sách xuất phát từ tình cảm chân thành, sâu sắc của chính tác giả càng làm câu chuyện thêm gần gũi, xúc động. Tuy nhiên, tình yêu thương cùng sự bao bọc quá độ đó đã trở thành con dao hai lưỡi, vô tình biến thành ngục tù giam giữ cuộc đời Madeline.
Nhân vật Maddy còn nhận được sự quan tâm từ cô y tá trẻ Carla. Bởi cô Carla có một đứa con gái trạc tuổi Maddy, nên cô luôn chăm sóc Maddy bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ dành cho con gái. Đó là lòng nhân hậu và tình yêu thương chân thành, sự đồng cảm sâu sắc giữa con người với con người trong cuộc sống.
Câu chuyện của sức mạnh vượt lên rào cản, phá bỏ mọi giới hạn
Chia sẻ về “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, nhà văn Nicola Yoon cho biết: “Tôi nghĩ đến tác phẩm như là một câu chuyện cổ tích. Đó là một câu chuyện về việc phá bỏ các rào cản và những mối nguy chúng ta phải đối mặt khi nói về tình yêu. Yêu là một điều tuyệt vời và phi thường, nhưng nỗi mất mát đi kèm lại rất tàn nhẫn.”
Maddy và Olly đã yêu trí tuệ và tính cách kỳ lạ của nhau trước cả khi gặp nhau. Từng ánh mắt họ trao nhau, từng dòng tin nhắn email trao đổi như dệt nên sợi dây vô hình gắn kết giữa hai người trẻ. Họ cảm nhận được từng hơi thở nóng hổi của nhau, từng nhịp đập bồi hồi trong lồng ngực mình thật chân thành và mãnh liệt. Hai tâm hồn với nhiều vết xước khác nhau tìm thấy được sự đồng điệu ở nhau. Ngày qua ngày họ cùng khám phá những góc khuất bị che giấu trong lòng mỗi người, dần dần trở nên thân thiết, thấu hiểu và cuối cùng là tình yêu. Họ muốn yêu, khao khát yêu và được yêu, chấp nhận đánh đổi để có được tình yêu của đời mình.
Maddy đã sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của bản thân, phá bỏ cuộc sống bình yên mà bấy lâu nay cô cùng mẹ vun đắp để bước ra thế giới bên ngoài, để thỏa sức vẫy vùng, để có một tình yêu đúng nghĩa, dù cho căn bệnh quái ác ấy có đeo bám, có đe dọa đến tính mạng cô.
Đối với Maddy, yêu là một quyết định sống còn. – “Olly là rủi ro lớn nhất tôi từng đối diện.” và hơn hết đó còn là một quyết định thay đổi cuộc sống của cô sau này.
Câu chuyện của người trẻ dám trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống
Khi chúng ta sẵn sàng để đối mặt với hiện thực và chịu tổn thương vì tình yêu, đó cũng là lúc ta trải nghiệm và đồng thời tận hưởng cuộc sống.
“Bạn hãy sống như ngày mai phải chết, yêu như ngày mai phải cách xa, thực hiện ước mơ của bạn như thể nó là cơ hội cuối cùng trong cuộc đời. Và cuối cùng, hãy sống thanh thản, tự do, tự tại.”
Hãy cứ trao đi yêu thương, cứ vui cười và đừng nhốt mình trong vỏ ốc tù túng kia. Tuổi trẻ hãy dám nghĩ, dám trải nghiệm và học hỏi, bởi cuộc đời vốn được thiết kế để mỗi người tự khám phá và tìm tòi, phá bỏ mọi giới hạn của bản thân và vươn tới những vùng đất mới, những tầm cao mới. Đừng lo lắng nếu có vấp ngã hay khó khăn trong cuộc đời, bởi vẫn luôn có những người yêu thương bạn vô điều kiện, luôn sẵn sàng chở che cho bạn bất cứ lúc nào. Và bởi sau những vấp ngã, điều bạn nhận được chính là những bài học vô cùng quý giá và đáng trân trọng.
Có bao giờ bạn tự hỏi: “Nếu chỉ còn một ngày để sống, bạn sẽ làm gì?”. Bạn sẽ tìm được câu trả lời cho chính mình sau khi thưởng thức bản tình ca ngọt ngào, sâu lắng và đầy sức cuốn hút “Nếu chỉ còn một ngày để sống” của Nicola Yoon.
Cre: reviewsach.net