Định hướng nghề nghiệp luôn là điều khiến nhiều người phải trăn trở. Các quyết định nghề nghiệp thường bị chi phối bởi những người xung quanh, bởi xu thế mà không phù hợp với bản thân nên dẫn đến sai lầm, bỏ cuộc giữa chừng. Điều này đã thúc đẩy các bạn trẻ tìm đến các bài trắc nghiệm nghề nghiệp để tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc.
Có vẻ phi lý khi nghe người khác nói rằng những bài trắc nghiệm này có thể giúp con người thấu hiểu chính bản thân họ trong vòng một giờ đồng hồ. Thế nhưng, thực tế cho thấy điều này hoàn toàn có cơ sở khoa học rõ ràng. Trong bài viết này, Goodjob sẽ gửi đến bạn đọc top 5 bài trắc nghiệm nghề nghiệp để định hướng nghề tương lai chính xác đang rất phổ biến gần đây. Các bạn hãy cùng theo dõi xem đó là những bài trắc nghiệm nào nhé!
Làm thế nào để định hướng nghề nghiệp?
Vì sao nên làm trắc nghiệm nghề nghiệp?
Bí mật của người thành công không phải là “vận may” hay “tài năng thiên phú”. Sở dĩ có những người thành công vượt trội trong lĩnh vực của họ là vì họ hiểu rõ bản thân từ sớm.
Nghe tưởng như rất đơn giản nhưng trên thực tế rất ít người hiểu được chính bản thân họ. Rất nhiều người đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành mà vẫn chưa biết bản thân thích gì, muốn làm gì hay có sở trường, sở đoản gì. Không những thế, họ còn có xu hướng đánh giá thấp bản thân và chịu sự tác động lớn từ những người xung quanh khi định hướng nghề nghiệp.
Thay vì mãi quay cuồng, khủng hoảng và chịu sự chi phối từ người khác bạn hãy tự khám phá bản thân để thành công hơn trong cuộc sống. Lựa chọn đúng đắn nhất dành cho bạn chính là làm trắc nghiệm nghề nghiệp.
Thông qua các bài trắc nghiệm nghề nghiệp tưởng như đơn giản bạn sẽ khám phá được tính cách và đam mê của mình. Từ đó bạn có thể chọn đúng ngành nghề phù hợp. Hơn nữa, hiểu rõ những ưu, nhược điểm của bản thân sẽ giúp bạn có thêm động lực để hoàn thiện chính mình nên tốt hơn mỗi ngày.
Trong quá trình phát triển bản thân sẽ có lúc bạn chán nản và bỏ cuộc. Nhưng với sự nhận thức rõ ràng về bản thân, bạn sẽ có thêm tự tin để nhìn nhận lại những gì đã trải qua và điều chỉnh kế hoạch của mình để từng bước chạm tới thành công.
Tóm lại, các bài trắc nghiệm nghề nghiệp chính là công cụ hữu ích và khách quan giúp bạn thấu hiểu bản thân và có cơ sở vững chắc cho những quyết định nghề nghiệp. Đồng thời bạn sẽ ý thức đúng giá trị của bản thân và có thêm tự tin theo đuổi sự nghiệp mình mong muốn.
5 bài trắc nghiệm nghề nghiệp tốt nhất
Có rất nhiều bài trắc nghiệm nghề nghiệp giúp bạn khám phá bản thân và tìm ra con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, theo Uptalent, 5 bài trắc nghiệm tốt nhất có thể giúp bạn thực hiện điều này là những bài sau:
1- Sinh trắc vân tay
Sinh trắc vân tay là phương pháp sử dụng công nghệ để phân tích hình dạng, độ dài, mật độ dấu vân tay. Các chuyên gia sẽ sử dụng một thiết bị để quét dấu vân tay của bạn, sau đó tiến hành phân tích và đánh giá, rồi đưa ra nhận xét về tính cách và khả năng vượt trội của bạn.
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo nên một cơ sở dữ liệu khổng lồ về sinh trắc học vân tay. Theo đó, vân tay sẽ được chia thành 3 chủng loại Whorl, Loop và Arch. Mỗi chủng loại gắn liền với đặc trưng riêng về tính cách. Tương ứng với mỗi chủng sẽ có định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo và là công cụ hỗ trợ trong định hướng nghề nghiệp, nhưng không thể phủ định tác dụng của sinh trắc học vân tay trong việc giúp con người tự tin phát triển bản thân theo niềm đam mê. Còn có đạt được thành công hay không còn phụ thuộc vào khả năng và sự nỗ lực của mỗi người.
Ảnh minh họa: Sinh trắc vân tay
2- Trắc nghiệm Holland
Trắc nghiệm nghề nghiệp Holland được phát triển từ mô hình phân loại tính cách của tiến sỹ, bác sỹ tâm lý người Mỹ John Holland. Bài trắc nghiệm này được biết đến rộng rãi và được rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu đánh giá cao về mức độ tin cậy.
Hiện nay, trắc nghiệm Holland được sử dụng phổ biến trong các chương trình hướng nghiệp phổ thông trên toàn thế giới. Những quốc gia có nền giáo dục hàng đầu như Anh, Mỹ, New Zealand, Thụy Điển,… cũng áp dụng trắc nghiệm Holland trong chương trình đào tạo của mình. Không những vậy, nhiều người trẻ cũng tự mình làm trắc nghiệm Holland để khám phá chính bản thân họ.
Trong trắc nghiệm Holland, con người được phân loại thành 6 nhóm tính cách khác nhau. Mỗi nhóm tính cách sẽ tương ứng với một chuyên ngành nhất định. Cụ thể như sau: Realistic (Kỹ thuật), Investigate (Nghiên cứu), Artistic (Nghệ thuật), Social (Xã hội), Engineer (Quản lý, Nghiệp vụ).
Ưu điểm nổi bật của trắc nghiệm Holland là các câu hỏi rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian để trả lời nhưng hiệu quả rất lớn. Chỉ với vài phút làm trắc nghiệm bạn đã có thể tìm ra khả năng nổi trội của bản thân. Từ đó biết cách lựa chọn môi trường làm việc phù hợp với sở thích và năng lực để đạt được thành công.
Chỉ cần dành ra vài phút để làm trắc nghiệm Holland, chắc chắn kết quả nhận được khiến bạn hài lòng.
3- Trắc nghiệm MBTI
So với trắc nghiệm Holland thì MBTI là trắc nghiệm nghề nghiệp rất phổ biến tại Việt Nam. Hiện tại các trường phổ thông tại Việt Nam thường xuyên áp dụng bài trắc nghiệm này để giúp học sinh nhận biết điểm mạnh, điểm yếu và tính cách bản thân cũng như định hướng nghề nghiệp.
MBTI hay Myers-Briggs Type Indicator là bài trắc nghiệm được phát triển bởi hai mẹ con người Mỹ, Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers. MBTI sử dụng hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách con người.
Mục tiêu của MBTI là khám phá tâm lý, tính cách và mối quan hệ con người qua việc cảm nhận mối liên kết, tương tác giữa con người với con người và với thế giới quan, nói cách khác là cách con người xử lý các vấn đề trong cuộc sống. Ở mức độ chuyên sâu, MBTI còn cung cấp cho bạn những nội dung sâu sắc về các mối quan hệ và đưa ra lời khuyên cho bạn về các vấn đề thường gặp trong đời sống và công việc.
Trắc nghiệm MBTI phân loại tính cách con người theo bốn tiêu chí:
+ Xu hướng tự nhiên (Extrovert – hướng ngoại, Introvert – hướng nội).
+ Cách tìm hiểu và nhận thức thế giới (Sensors – người thực tế , Intuitives – người cảm tính).
+ Quyết định và lựa chọn (Thinkers – người suy tính, Feelers – người cảm tính).
+ Cách thức hành động (Judges – người cứng nhắc, Perceivers – người linh hoạt).
Từ 4 tiêu chí cơ bản, MBTI chia tính cách con người thành 16 nhóm. Mỗi nhóm tính cách sẽ phù hợp với môi trường làm việc và định hướng nghề nghiệp riêng biệt.
Bạn nên thực hiện trắc nghiệm tính cách MBTI song song với trắc nghiệm Holland để có được kết quả chi tiết nhất. Từ đó bạn sẽ có cơ sở vững chắc hơn khi định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
Ảnh minh họa: Trắc nghiệm nghề nghiệp
4- Trắc nghiệm Big Five
Trắc nghiệm Big Five còn được biết đến với tên gọi OCEAN. Bài trắc nghiệm này đã được phát triển cách đây 100 năm và được phát triển tiếp nối bởi rất nhiều nhà tâm lý nổi tiếng.
Big Five phân loại tính cách con người theo 5 phương diện cơ bản, bao gồm: Sẵn sàng trải nghiệm (O), Tận tâm (C), Hướng ngoại (E), Dễ chịu (A), Tâm lý bất ổn (N). Theo đó, mỗi phương diện tính cách sẽ tiết lộ cho bạn một khả năng làm việc riêng.
Bài trắc nghiệm Big Five được xây dựng từ hơn 300 câu hỏi. Sau khi làm trắc nghiệm bạn sẽ tìm ra định hướng nghề nghiệp phù hợp cho riêng mình, thậm chí còn biết được đâu là môi trường làm việc phù hợp với tính cách của bạn. Với những hiệu quả tích cực trong định hướng nghề nghiệp, trắc nghiệm Big Five hiện được áp dụng rộng rãi trong hướng nghiệp phổ thông.
5- Trắc nghiệm DISC
Trắc nghiệm DISC là bài trắc nghiệm được dùng để đánh giá hành vi của một cá nhân dựa trên bốn đặc điểm tính cách nổi bật của con người trong một khoảng thời gian nhất định. DISC chính là viết tắt tên gọi của bốn nhóm tính cách: Dominance (D) – Thống trị, Influence (I) – Ảnh hưởng, Steadiness S) – Kiên định, Compliance (C) – Tuân thủ.
DISC được đánh giá là một công cụ hữu hiệu giúp bạn xác định tính cách của người đối diện thông qua hành vi của họ trong một tình huống thực tế hay hệ thống câu hỏi cụ thể. Bằng cách áp dụng trắc nghiệm DISC, bạn có thể nắm bắt được sở thích, cách suy nghĩ và xu hướng hành vi của người giao tiếp với mình, từ đó có thể giao tiếp hiệu quả và thoải mái hơn.
Hiện nay, trắc nghiệm DISC được các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi để tìm hiểu nhiều hơn về nhân viên của họ và để tạo nên những môi trường lý tưởng, giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực bản thân. Đối với những ứng viên đang tham gia phỏng vấn thì DISC chính là công cụ đắc lực giúp họ nắm bắt tâm lý và tạo ấn tượng với người phỏng vấn.
Ngoài ra, bạn có thể vận dụng những phân tích rõ ràng và cụ thể về bốn nhóm tính cách của trắc nghiệm DISC để cải thiện kỹ năng giao tiếp, tạo thiện cảm và xây dựng mối quan hệ với mọi người.
Trên đây là thông tin về 5 bài trắc nghiệm nghề nghiệp có thể giúp bạn định hướng nghề tương lai chính xác. Bạn hãy dành thời gian tìm hiểu và làm trắc nghiệm để hiểu rõ hơn về bản thân và có thể lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp. Bạn nên làm nhiều bài trắc nghiệm khác nhau để có cái nhìn rộng hơn thay vì chỉ làm một bài nhé. Chúc bạn thành công!