Tiêu chuẩn không thể thiếu đối với ứng viên nhân viên nhân sự giỏi
Nhân sự là ngành có độ cạnh tranh tuyển dụng cao, nhưng chỉ những ai giỏi các tiêu chuẩn này mới thuộc hàng “đỉnh” trong mắt nhà tuyển dụng
-
Kiến thức nhân sự chuyên sâu
Quản lý nhân sự liên quan đến quyền lợi người lao động, để người lao động tâm phục, khẩu phục, nhân viên nhân sự phải giải quyết rành mạch, chuẩn xác, chắc chắn mọi vấn đề thắc mắc trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, không rành luật nhân sự sẽ bất lợi cho cả nhân viên nhân sự và doanh nghiệp tuyển dụng.
-
Kỹ năng giao tiếp đắc nhân tâm
Thường xuyên đối mặt với những vấn đề về nhân sự cả trong và ngoài doanh nghiệp, việc giải quyết cần linh hoạt và hiệu quả, vì đối tượng mà nhân viên nhân sự tiếp cận rất có thể sẽ mất bình tĩnh, sẽ trịch thượng, gây trở ngại cho việc giao tiếp. Lúc này kỹ năng giao tiếp đỉnh cao chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề.
-
Đức tính cẩn thận
Nhiệm vụ nhân sự sẽ liên quan đến nhiều tài liệu, chi tiết thông tin, con số cụ thể… nhất là lương mà tính sai sót là nhân sự doanh nghiệp đòi quyền lợi là mệt luôn. Vì vậy, trong từng vấn đề, từng tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại, lên lương… phải thật cẩn trọng.
-
Năng lực học hỏi nhanh kiến thức mới
Không chỉ là kiến thức sách vở, mà còn là những quy định, chính sách nội bộ doanh nghiệp, cũng như các phương thức, quy trình quản lý đang được áp dụng cũng cần được tiếp thu nhanh chóng.
Những câu hỏi phỏng vấn nhân viên nhân sự được nhà tuyển dụng thường xuyên áp dụng
Câu 1 : Hãy giới thiệu đôi nét về bạn?
Những lý lịch cá nhân, nhà tuyển dụng đã biết. Quan trọng họ muốn bạn giới thiệu kinh nghiệm liên quan công việc nhân sự.
Gợi ý : Tôi đã tốt nghiệp đại học … năm … Tôi có cơ hội thực tập và được giữ lại ở công ty đầu tiên với vai trò là nhân viên hành chính. Bản thân tôi luôn mong muốn phát triển trong lĩnh vực nhân sự nên trong 02 năm làm việc ở vị trí hành chính , tôi đã tích lũy và trau dồi thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực nhân sự, cụ thể là văn bằng hai ngành quản trị kinh doanh và chứng chỉ quản trị nhân lực chuyên sâu do trường đại học… cấp. Tôi hiện đang tìm kiếm những thử thách mới cho con đường sự nghiệp của mình, và vị trí nhân viên nhân sự mà công ty đang tuyển dụng là một cơ hội đối với tôi.
Câu 2 : Tại sao bạn quyết định lựa chọn vị trí này?
Vì mưu sinh, vì nhu cầu tuyển nhân sự lớn, vì công ty to… nhưng đừng nói ra lý do này nhé. Bạn cần thể hiện sự nhiệt huyết và sẵn sàng nỗ lực học hỏi, quyết tâm trở thành nhân viên nhân sự giỏi.
Gợi ý : Thứ nhất, đây là vị trí phù hợp kiến thức chuyên môn mà tôi được đào tạo. Thứ hai, khi làm việc hành chính, tôi đã tiếp cận một số vấn đề nhân sự, dù không chuyên sâu nhưng tôi thật sự cảm thấy yêu thích. Thứ ba, thương hiệu nhà tuyển dụng của công ty đã thôi thúc tôi ứng tuyển.
Câu 3 : Bạn đánh giá thế nào về điểm mạnh, điểm yếu của mình?
Điểm mạnh hỗ trợ tuyệt vời cho công việc. Điểm yếu chẳng ảnh hưởng gì đến công việc – Đó chính là những điều bạn cần lựa chọn để trả lời
Gợi ý : Tôi là một người kiên nhẫn, chịu khó học hỏi và khám phá những cách thức giải quyết công việc mới, ở nơi làm cũ, tôi được đánh giá cao về sự năng động này. Về điểm yếu, tôi thấy mình chưa dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân, trước đây ngoài giờ làm việc, tôi dành thời gian để bổ sung kiến thức nên ít khi tập thể dục thường xuyên. Giờ thì việc học đã hoàn tất, ít nhất là cuối tuần tôi sẽ dành khoảng 01 tiếng để chạy bộ.
Câu 4 : Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì?
Công việc nhân sự được xem là “làm dâu trăm họ”, những mâu thuẫn về quyền lợi, về môi trường làm việc sẽ xuất hiện thường xuyên, và đều gây stress. Sợ gì khác điều này đi nhé !
Gợi ý : Nỗi sợ lớn nhất của tôi là không có cơ hội, vì vậy, một khi đã có cơ hội cho một vị trí mình yêu thích thì anh/chị hoàn toàn an tâm về nỗ lực học hỏi và tiếp cận nhanh công việc của tôi.
Câu 5 : Bạn từng xảy ra xung đột với người quản lý trước đây chưa?
Đừng chê Sếp cũ, nếu không Sếp mới sẽ hoài nghi về sự hợp tác của bạn đấy.
Gợi ý : Thật may mắn, từ lúc ra trường, thực tập đến khi làm việc chính thức, tôi luôn gặp được những đồng nghiệp cởi mở, hợp tác, đặc biệt là các Sếp quản lý đều đã từng trải qua nhiều cấp bậc nên rất thông cảm và hỗ trợ nhân viên.
Câu 6 : Tại sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ?
Lý do tốt nhất là lý do không đề cập đến bất cứ xung đột, bất mãn nào.
Gợi ý : Tôi mong muốn sớm tìm kiếm những thử thách mới trong công việc, để nâng cao năng lực bản thân trong vai trò công việc mà mình yêu thích. Có được một môi trường làm việc ổn định, có cơ hội phát triển lâu dài.
Câu 7 : Theo bạn, một môi trường làm việc lý tưởng cho nhân viên nhân sự sẽ như thế nào?
Nên bám theo môi trường làm việc mà công ty tuyển dụng đang có, bạn có thể tìm hiểu thông qua văn hóa doanh nghiệp hoặc những bài chia sẻ của nhân viên của công ty trên website.
Gợi ý : Môi trường làm việc lý tưởng đầu tiên phải là một công ty công bằng, đánh giá đúng những đóng góp mà nhân viên mang đến. Đặc biệt, đối với vị trí nhân viên nhân sự, những chia sẻ, phản hồi thẳng thắn, có tính xây dựng rất quan trọng cho việc cải tiến chất lượng nhân sự toàn doanh nghiệp.
Câu 8 : Bạn đã từng sa thải ai chưa? Cảm xúc của bạn thế nào?
Đây là nhiệm vụ không thể thiếu của nhân viên nhân sự, có sự thương cảm là tốt nhưng vẫn phải thể hiện sự quyết đoán.
Gợi ý : Tôi chưa từng sa thải ai, nhưng đã từng được giao nhiệm vụ thay mặt phòng nhân sự nói lời chia tay với một nhân viên không qua giai đoạn thử việc. Dù chỉ 2 tháng thử việc ngắn nhưng cũng có những tình cảm tốt đẹp. Bản thân có chút buồn, chút tiếc vì em ấy rất ngoan, chịu khó nhưng có lẽ em còn trẻ, chưa theo kịp nhịp công việc nên chưa thể gắn kết để duy trì hiệu suất của phòng ban.
Câu 9 : Theo bạn, làm việc chăm chỉ và làm việc thông minh, cái nào tốt hơn?
Nhà tuyển dụng muốn bạn có cả 2 đấy.
Gợi ý : Tôi thấy cả 2 đều cần thiết, nhất là những vị trí cần sự linh hoạt như nhân sự. Mặc dù làm việc thông minh sẽ ít tốn công sức hơn, nhưng nhân sự cũng cần sự nhẫn nại được rèn luyện khi làm việc chăm chỉ. Phối hợp tốt cả hai, hiệu suất làm việc càng hoàn hảo.
Câu 10 : Mục tiêu 5 năm tới của bạn là gì?
Muốn công ty tuyển dụng thì 5 năm tới bạn phải đồng hành và phát triển cùng công ty .
Gợi ý : Nếu được tuyển dụng, 3 năm tới tôi thấy mình đã là một chuyên viên nhân sự nhiều kinh nghiệm và hướng dẫn một nhóm nhỏ hoàn thành những nhiệm vụ nhân sự như tuyển dụng, đào tạo… Và 2 năm sau tôi đã đủ tự tin để đảm nhận vai trò trợ lý phòng nhân sự hoặc vị trí quản lý cao hơn. Tôi muốn trong 5 năm này công tác ổn định ở một công ty duy nhất, cùng công ty nỗ lực cho những mục tiêu nhân sự lâu dài.
Câu 11 : Bạn có biết hay từng trải nghiệm công cụ phần mềm nhân sự nào chưa? Bạn cần bao lâu để sử dụng tốt một phần mềm mới?
Ngày nay, quản lý nhân sự bằng phần mềm chuyên dụng phổ biến vô cùng. Dù chưa trải nghiệm, bạn cũng nên đưa ra những nền tảng sẽ hỗ trợ tốt cho việc tiếp cận.
Gợi ý : Khi đang học văn bằng hai quản trị kinh doanh, tôi đã được giới thiệu và tiếp cận cơ bản về phần mềm quản lý nhân sự. Bên cạnh đó, thành thạo tin học văn phòng và các công cụ quản lý hành chính…, cùng khả năng thích nghi nhanh, , tôi tin đây là nền tảng quan trọng hỗ trợ tốt và nhanh nhất cho việc tiếp cận mọi phần mềm quản lý nhân sự đặc thù.
Câu 12 : Bạn đối mặt với những xung đột như thế nào?
Nhân sự làm dâu trăm họ mà, ai cũng có thể tìm bạn để phàn nàn, nên tâm lý bạn phải thật vững vàng.
Gợi ý : Với vai trò một nhân viên nhân sự, tôi hiểu mình đang là người trung gian kết nối công ty và người lao động. Sự tức giận, mất bình tĩnh là điều không nên, và thật may mắn, tôi là người kiểm soát cảm xúc rất tốt. Tiếp đến tôi cần giúp đối tượng xung đột với mình giữ bình tĩnh, vì chỉ khi đôi bên bình tĩnh, tôi mới có thể ghi nhận chính xác những gì đang diễn ra với họ, từ đó đề xuất và triển khai giải pháp hiệu quả.
12 câu hỏi phỏng vấn nhân viên nhân sự trên đây không phải là tất cả buổi phỏng vấn mà bạn sẽ trải nghiệm, nhưng đây chính là 12 câu hỏi giúp ứng viên ghi điểm với nhà tuyển dụng. Kinh nghiệm tư vấn tuyển dụng nhân sự của Goodjob cho thấy, những ứng viên trả lời xuất sắc 12 câu hỏi này đều được nhà tuyển dụng lựa chọn. Bởi lẽ, qua các câu trả lời, những tố chất quan trọng cần có của một nhân viên nhân sự giỏi đã được bộc lộ, những khía cạnh khác, doanh nghiệp sẵn sàng đào tạo thêm để giúp bạn nhanh trở thành nhân viên nòng cốt trong tổ chức.