CV xin thực tập là gì?
Trước khi biết cách viết CV xin thực tập sao cho đúng, bạn cần hiểu rõ thế nào là CV thực tập cũng như tầm quan trọng của CV chất lượng.
CV xin thực tập là gì?
CV xin thực tập (CV thực tập sinh) là bản CV (Curriculum Vitae hay sơ yếu lý lịch) bạn cần chuẩn bị để gửi tới nhà tuyển dụng khi muốn xin vào vị trí thực tập tại một doanh nghiệp, cơ quan.
CV này được hoàn hiện sau khi kết thúc quá trình đào tạo và chuẩn bị bước vào kỳ thực tập để chính thức làm quen với môi trường làm việc thực tế.
Giống với bản CV xin việc làm chính thức, CV xin thực tập cần gói gọn được những thông tin cơ bản của bạn như: thế mạnh, mong muốn, chuyên ngành học tập, thành tựu trong quá trình học tập. Từ đó, doanh nghiệp hoặc cơ quan có thể cân nhắc và lựa chọn đối tượng thực tập phù hợp với lĩnh vực hoạt động và nhu cầu của doanh nghiệp.
CV xin thực tập quan trọng như thế nào
Với học sinh, sinh viên hoặc người xin thực tập:
- CV là phương tiện thể hiện giá trị bản thân, giúp bạn dễ dàng lọt vào mắt xanh của doanh nghiệp.
- CV giúp bạn tổng hợp được kinh nghiệm học tập, các thành tựu cá nhân, quá trình học tập và thể hiện được mong muốn, định hướng nghề nghiệp tương lai.
- CV cũng là nơi chứng minh tiềm năng tương lai của bạn.
Với công ty, doanh nghiệp
- CV giúp dễ dàng đánh giá ứng viên xin thực tập: thế mạnh, điểm yếu, sự phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
- CV quyết định cơ hội doanh nghiệp chọn lọc ứng viên vào vòng phỏng vấn dễ dàng hơn.
- Nội dung CV cũng quyết định phần nào tới nội dung cuộc phỏng vấn.
Cách viết CV xin thực tập
Trong một bản CV xin thực tập, sau đây là những nội dung cần có
Tiêu đề CV
Tiêu đề CV là cách bạn lưu tên file CV của mình và tiêu đề bạn gửi email thông tin CV ứng tuyển.
Thông thường, một mẫu tiêu đề CV chuyên nghiệp tuân theo cấu trúc: CV_Họ & tên_ Vị trí công việc hoặc CV_vị trí công việc_Họ tên.
Đây là cách đặt tiêu đề dễ nhớ và giúp nhà tuyển dụng dễ dàng phân loại ứng viên dựa trên hồ sơ.
Thông tin cá nhân
Đây là mục bạn cung cấp các thông tin cơ bản về bản thân như:
+ Họ tên
+ Ngày sinh
+ Giới tính
+ Địa chỉ
+ Cách thức liên hệ
+ Tổng quan về cá nhân: định hướng nghề nghiệp, mong muốn nghề nghiệp…
+ Các kênh tham khảo để nhà tuyển dụng có thể hiểu hơn về bạn như (link đến các trang mạng xã hội, khuyến khích dùng LinkedIn). Lưu ý: khi chia sẻ về mục tiêu nghề nghiệp, thông thường đây là thời điểm bạn còn trẻ, thiết và ít kinh nghiệm thực tế. Do đó, bạn không nên đưa ra mục tiêu quá xa vượt quá khả năng. Thay vào đó, nên cho nhà tuyển dụng thấy được nhiệt huyết và khát vọng với nghề nghiệp, mong muốn tìm kiếm cơ hội phát triển và thăng tiến trong tương lai.
Ngoài ra, phần mục tiêu nghề nghiệp này nên được viết ngắn gọn (lý tưởng là 150 đến 200 ký tự), tránh việc viết dài dòng, lan man.
Quá trình học tập
Khi trình bày về quá trình học tập, bạn nên viết theo quy tắc ngược dòng thời gian. Có nghĩa quá trình học gần nhất sẽ được liệt kê trước và lùi dần về sau.
Cách trình bày này giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng thấy trình độ cao nhất ở thời điểm hiện tại của bạn, từ đó đánh giá chính xác và khách quan hơn về năng lực.
Ngoài ra, trong quá trình học tập, nếu bạn đạt được các chứng chỉ hoặc khóa học nghiệp vụ ngắn hạn bổ trợ cho công việc, các học bổng, thành tích, giải thưởng… bạn nên thể hiện đầy đủ các nội dung này trong CV.
Kinh nghiệm
Đây là phần bạn sẽ trình bày về những hoạt động hoặc kinh nghiệm làm việc (kể cả ngắn hạn), quá trình tham gia vào một dự án nào đó…
Mục này cũng nên được trình bày theo thời gian ngược, bạn ưu tiên trình bày những công việc có được ở vị trí gần nhất trước. Đồng thời, hãy chọn lọc những kinh nghiệm nào thực sự phù hợp với yêu cầu công việc hoặc lĩnh vực mà công ty bạn đang ứng tuyển chứ không nên trình bày quá lan man những kinh nghiệm không liên quan.
Kỹ năng
Kỹ năng là mục quan trọng tiếp theo cần có trong CV. Các kỹ năng này bao gồm những kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm bạn đã tích lũy được trong quá trình học tập. Bạn nên nêu đầy đủ cả tên kỹ năng lẫn mức độ thành thạo.
Giống với kinh nghiệm, phần kỹ năng này nên được lựa chọn và trình bày những kỹ năng phù hợp với công việc mà công ty đang tuyển dụng.
Sở thích
Nhiều người cho rằng đây là mục không quan trọng trong CV, tuy nhiên, đôi khi đây lại là điểm nhấn để giúp nhà tuyển dụng đánh giá xem liệu cá tính của bạn có thực sự phù hợp với văn hoá của công ty hay không.
Những lưu ý để có CV thực tập ấn tượng
Như vậy hẳn bạn đã hiểu được CV xin thực tập là gì cũng như cách viết CV thực tập sao cho đầy đủ, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, giữa rừng CV xin thực tập gửi về cho doanh nghiệp, làm sao để CV của bạn trở nên nổi bật? Sau đây là một số gợi ý từ Việc Làm 24h.
CV thực tập cần có độ dài phù hợp
Thông thường, giữa rất nhiều CV gửi về, nhà tuyển dụng sẽ không có quá nhiều thời gian để đọc kỹ một CV bất kỳ. Do đó, những CV quá nhiều chữ, không tập trung đúng trọng tâm, không có điểm nhấn nổi bật hoặc không có đúng những thông tin cần thiết đều sẽ dễ bị bỏ qua.
Do đó, bạn nên lưu ý giữ cho CV có độ dài vừa phải – thường không quá 02 trang A4. Đồng thời trình bày từng mục trong CV ngắn gọn, dễ hiểu.
Logic nhưng cần nổi bật
Cách trình bày CV sẽ phần nào thể hiện lối tư duy của bạn. Do đó, hãy trình bày CV khoa học và logic để vừa thể hiện được bản thân, vừa không bị quá lan man vào những nội dung không cần thiết.
Thay kinh nghiệm bằng hoạt động xã hội
Với CV cho thực tập sinh chưa có kinh nghiệm, bạn có thể thay phần kinh nghiệm bằng cách chia sẻ những hoạt động xã hội ý nghĩa và có liên quan tới ngành học hoặc công việc bạn đang theo đuổi cũng như những thành tựu, giá trị hoặc kinh nghiệm mà hoạt động này mang đến cho bạn. Đừng quên nêu rõ những giá trị, kinh nghiệm này giúp bạn định hình và hỗ trợ cho công việc tương lai như thế nào.
Mục tiêu rõ ràng về nghề nghiệp
Nhà tuyển dụng sẽ thường đánh giá cao những ứng viên xác định được mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng. Thông qua mục tiêu này, họ có thể đánh giá được mức độ gắn bó của nhân sự với doanh nghiệp cũng như tiềm năng phát triển của nhân sự này trong tương lai.
Những minh chứng đi kèm CV thực tập
Để tăng tính thuyết phục cho bản CV, bạn có thể đính kèm những minh chứng về kinh nghiệm hoặc giải thưởng, thành tích đã đạt được. Điều này không chỉ giúp tăng sự chuyên nghiệp cho CV, còn giúp nhà tuyển dụng ấn tượng về sự nghiêm túc, trung thực của bạn.
Đừng ngại sáng tạo
Nếu bạn muốn xin thực tập tại các vị trí về thiết kế, Marketing hoặc các ngành nghề đòi hỏi sự năng động, sáng tạo, bạn hoàn toàn có thể chọn cách tạo CV mang dấu ấn riêng của mình như phối hợp màu sắc, thiết kế, đồ hoạ minh hoạ… Điều này giúp bạn thể hiện được cá tính riêng của bản thân.
Tuy nhiên, cần lưu ý không nên quá lạm dụng để tránh làm mất đi sự chuyên nghiệp và nghiêm túc của CV.
Lời kết
Như vậy, Việc Làm 24h đã chia sẻ tới bạn những thông tin sơ lược về về CV thực tập là gì, tầm quan trọng của một bản CV chuyên nghiệp cũng như những điểm nên lưu ý khi làm CV thực tập.
Không có một mẫu CV thực tập nào chung cho tất cả mọi ngành nghề. Nhưng với những chia sẻ trên, Goodjob tin rằng, bạn đã đủ tự tin tạo ra bản CV mang dấu ấn của riêng mình và có được công việc thực tập mơ ước.