9 dấu hiệu của môi trường làm việc độc hại

9 dấu hiệu của môi trường làm việc độc hại

Ngày đăng: 01/06/2023 04:39 PM

    Môi trường làm việc độc hại là nơi mà các hành vi tiêu cực như thao túng, bắt nạt, đổ lỗi thuộc về "bản chất" của văn hóa doanh nghiệp.

    Nó dẫn đến những vấn đề như thiếu niềm tin, mức độ căng thẳng cao, đấu đá nội bộ và phân biệt đối xử giữa các nhân viên. Theo cố vấn nghề nghiệp Eli Bohemond (Mỹ), ở trong môi trường làm việc độc hại tất cả đều cảm thấy bất an. Bạn có cảm giác sẽ bị trừng phạt, chế nhạo hay phủ nhận vì đã lên tiếng dù đó là chia sẻ ý tưởng nêu ra lo ngại hay phản đối, thể hiện bản thân.

    Bohemond cảnh báo theo thời gian, môi trường làm việc độc hại sẽ khiến nhân viên trở nên lo âu hay trầm cảm. Nhân viên đó có thể bật khóc trước khi làm việc vì cảm thấy bị mắc bẫy. Họ không muốn đối mặt với một ngày căng thẳng nào nữa nhưng vẫn cần công việc này. Hoặc họ cố gắng làm việc hết công suất nhưng vẫn bị đánh giá thấp và cuối cùng là kiệt sức.

    "Tôi nghi ngờ hầu hết chúng ta đều gặp phải một ông chủ độc hại không lúc này thì lúc khác", huấn luyện viên nghề nghiệp Lisa Quinn nói. "Song, theo kinh ngiệm của tôi, một môi trường làm việc độc hại vượt quá hành vi của một hay hai cá nhân. Nó có tính hệ thống".

    Một số người không xác định được môi trường họ làm việc độc hại hay không vì cho rằng đây là điều bình thường. Dù mỗi nhân viên có cảm nhận khác nhau dựa trên phong cách làm việc, lịch sử công việc, nhìn chung nơi làm việc độc hại sẽ chia sẻ vài điểm chung như dưới đây.

    Nơi làm việc chứa đầy tiêu cực, tin đồn, bắt nạt và đổ lỗi cho nhau được coi là môi trường độc hại. Ảnh minh họa: MSN

    Không có ranh giới công - tư

    Văn hóa độc hại thường khuyến khích nhân viên ưu tiên công việc hơn mọi thứ khác, theo Bohemond. Lãnh đạo kỳ vọng cấp dưới sẽ cống hiến hết mình và để bản thân kiệt sức giống như họ, dù làm việc tại chỗ hay qua mạng. Họ mong muốn nhân viên ở lại văn phòng đến muộn hay luôn phải trả lời email, điện thoại dù đang trong ngày nghỉ.

    Mọi người không tin tưởng nhau

    Trong môi trường độc hại, niềm tin giữa các đồng nghiệp là thứ xa xỉ. Bohemond dẫn ví dụ về một số tổ chức, nơi chỗ ngồi của người quản lý nhìn thẳng vào màn hình của nhân viên để theo dõi hành vi của họ.

    Không có chỗ cho sai lầm

    Quinn đã cố vấn cho nhiều khách hàng làm việc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt lẫn nhau. Không có chỗ cho sai lầm và học hỏi. Nếu phạm lỗi, họ sẽ bị mắng nhiếc thậm tệ. Trong môi trường như vậy, mọi người bắt đầu làm mọi việc có thể để tránh bị đổ lỗi và đi trước đồng nghiệp, chẳng hạn không chia sẻ thông tin liên quan đến công việc cho thành viên trong nhóm hay đổ lỗi cho đồng nghiệp khi có gì đó không đúng.

    Đối xử với nhau bằng sự khinh miệt

    Sự khinh miệt là điểm nguy hiểm nhất trong định nghĩa các mối quan hệ độc hại của nhà tâm lý học John Gottman. Nó cũng xuất hiện trong văn hóa làm việc độc hại. Một khách hàng của bà là luật sư từng bị ông chủ trợn mắt nhìn trong các cuộc họp hay phớt lờ ý kiến, thiên vị đồng nghiệp nam khác. Cũng ông chủ này luôn yêu cầu sửa đi sửa lại các báo cáo chỉ để công kích cá nhân.

    Quan hệ giữa các cá nhân không lành mạnh

    Bohemond cho biết có thể đoán được sức khỏe của một môi trường làm việc chỉ bằng cách nhìn vào cách mọi người giao tiếp với nhau. Họ có cười đùa và tán gẫu khi đang pha cà phê sáng, hay chỉ nhìn vào màn hình và gõ bàn phím? Họ có chia sẻ ảnh chế và truyện cười hay chỉ gửi những tin nhắn cụt lủn.

    Một hành vi khác dễ nhận thấy là "bức tường đá". Chẳng hạn, khách hàng là luật sư của Quinn bị ông chủ coi như không nhìn thấy dù chủ động chào hỏi hay tham gia các hoạt động. Cô không hiểu mình đã làm gì sai và rõ ràng điều này rất căng thẳng.

    Không ủng hộ nhân viên phát triển

    Nhiều người tại nơi làm việc độc hại phải học cách tự mò mẫm mọi thứ vì không có ai hướng dẫn, theo Bohemond. Ông cảnh báo điều này sẽ ngày càng tệ hơn vì rất dễ bị mất kết nối với nhóm hay người quản lý. Nó ảnh hưởng nhất đến những nhân viên mới, dẫn đến mất động lực và vỡ mộng, cũng như nhóm nhân viên yếu thế, vốn nhận được ít cơ hội và hỗ trợ để phát triển trong công việc.

    Thường cảm thấy bị thao túng

    Khi ai đó thao túng bạn, họ sẽ khiến bạn nghi ngờ cảm xúc, nhận thức hoặc sự tỉnh táo của mình. Thao túng tâm lý có thể gây hại đến sự công bằng và hòa nhập tại nơi làm việc.

    Gặp vấn đề thể chất vì căng thẳng

    Trong môi trường độc hại, căng thẳng tâm lý sẽ dần ảnh hưởng đến thể chất. Quinn giải thích, bạn có thể cảm thấy đầu óc và cơ thể lúc nào cũng ở trạng thái cảnh báo vì bộ não luôn phải tìm kiếm các nguy cơ. Ở trong trạng thái chiến đấu kéo dài sẽ tác động đến sức khỏe của bạn về lâu dài. Bạn sẽ trải qua các triệu chứng căng thẳng, trầm cảm như vấn đề tiêu hóa, mất ngủ, mệt mỏi, đau nhức, hoảng loạn.

    Tỷ lệ thôi việc cao

    Khi nhân viên bắt đầu chán nản với công việc và đồng nghiệp, họ thể hiện qua việc tắt camera trong suốt cuộc họp, chỉ giao tiếp với nhau bằng các bình luận ngắn. Theo thời gian, họ lần lượt rời bỏ môi trường độc hại. Tỷ lệ thôi việc cao và khả năng giữ người thấp là báo động đỏ cho thấy nơi làm việc có lành mạnh hay không.

    Đối phó với môi trường làm việc độc hại bằng cách nào?

    Bạn có hai lựa chọn: ở lại và vượt qua sự độc hại hoặc ra đi. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế lại khó khăn. Bạn không thể nghỉ việc ngay vì lý do tài chính hay không có nhiều lựa chọn trong ngành hoặc phúc lợi tốt hơn so với các nơi khác.

    Để đưa ra lựa chọn, Bohemond khuyên bạn trả lời một số câu hỏi: Tôi sẽ phản ứng thế nào khi gặp hành vi độc hại; Tôi sẽ làm gì để thay đổi tình hình; Điều gì ngăn tôi nghỉ việc.

    Bạn nên tìm hiểu tác động của môi trường độc hại đến mình ra sao và làm thế nào để bảo vệ bản thân trong các tình huống xấu trong tương lai. Với những người chọn ở lại, hãy xác định nguồn cơn của sự độc hại và có cuộc trò chuyện rõ ràng, giải thích cảm giác của mình khi gặp phải những hành vi không lành mạnh.

    Nếu quyết định ra đi, bạn nên tận dụng thời gian và năng lượng để tìm kiếm các cơ hội mới, lên kế hoạch sau khi nghỉ việc.