CV là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Dù chỉ là giai đoạn sơ khai, nhưng vòng sàng lọc CV luôn là bước khởi đầu quan trọng cho một kỳ ứng tuyển thành công. Vì vậy, nội dung thể hiện trong CV rất được các bạn ứng viên chú trọng. Nhất là viết ưu điểm và nhược điểm của bản thân trong CV sao cho an toàn những vẫn đảm bảo lợi thế cạnh tranh cho chính mình.
Cách nêu ưu điểm và nhược điểm trong CV xin việc
Ưu điểm của bản thân trong CV xin việc
Ưu điểm trong CV có vẻ thoải mái thể hiện hơn và kích thích não bộ sàng lọc, tìm kiếm, khai thác triệt để những thế mạnh của bản thân. Vì bạn biết chắc đó sẽ là những lợi thế tốt cho con đường chinh phục nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, trình bày thế nào, mức độ ra sao là thích hợp nhất, không làm bạn yếu thế, cũng không gây cảm giác khó chịu cho nhà tuyển dụng khi nghĩ rằng ứng viên “chảnh” quá mới chính là điều mà ứng viên đang muốn được hướng dẫn.
Và đây là cách trình bày ưu điểm của bản thân trong CV:
Vị trí CV thích hợp thể hiện ưu điểm
Sau phần nội dung quá trình làm việc trong quá khứ, chính là phần thể hiện ưu điểm của bạn trong CV. Đặt ở vị trí này, nhà tuyển dụng sẽ dễ dàng liên hệ với tính chất công việc mà bạn từng đảm nhận, đồng thời liên kết với nhiệm vụ mà vị trí tuyển dụng đang đặt ra.
Nội dung ưu điểm nên đề cập
Bản thân chúng ta có rất nhiều ưu điểm nhưng độ dài của CV có hạn, lại còn rất nhiều nội dung khác cần thể hiện, vì vậy, đừng thao thao bất tuyệt về những ưu điểm của bạn, mà chỉ nên sàng lọc những ưu điểm thật sự liên quan, và có khả năng hỗ trợ mạnh mẽ cho công việc.
Kỹ năng làm việc vượt trội
Tham khảo bản tin tuyển dụng để biết nhiệm vụ quan trọng mà bạn phải hoàn thành ở mức hoàn hảo nhất nếu trúng tuyển. Mỗi nhiệm vụ sẽ cho bạn biết kỹ năng mềm hay kỹ năng cứng nào là thật sự cần thiết.
Ví dụ : Trực tổng đài, chăm sóc khách hàng -> Kỹ năng giao tiếp
Thường xuyên tiếp xúc đối tác nước ngoài -> Kỹ năng ngoại ngữ
Kiến thức rộng
Doanh nghiệp luôn muốn có được nhiều hơn những gì họ kỳ vọng, nên những ứng viên có nhiều hơn những bằng cấp, tín chỉ, kinh nghiệm thực tế … sẽ là ứng viên sáng giá trong mắt nhà tuyển dụng. Do vậy, đừng ngại khi nói thêm về những kiến thức, hoặc cách thức chủ động cập nhật kiến thức của bạn.
Ví dụ: Tôi chú trọng ngôn ngữ lập trình C++ nên dù đã có nhiều kinh nghiệm, tôi vẫn thường xuyên cập nhật kiến thức mới trên các diễn đàn công nghệ.
Những năng lực khác có thể mang lại thành tích cho doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp có hẳn một đội ngũ thi đấu bóng đá, bóng chuyền, đua xe đạp, bơi lội… Đó cũng là cách doanh nghiệp quảng bá thương hiệu ra công chúng. Bạn nên tham khảo website nhà tuyển dụng và chêm thêm tài lẻ của mình vào phần ưu điểm.
Những năng lực của bạn là gì?
Lưu ý khi trình bày ưu điểm của bản thân trong CV
Ưu điểm là lợi thế của bạn, nhưng nếu trình bày sai cách trong CV có thể bị phản tác dụng. Vì vậy, dù trình bày ưu điểm không cần quá căng thẳng lựa chọn nhưng ứng viên cần lưu ý những điểm sau:
- Lựa chọn tối đa 04 ưu điểm lớn nhất, quan trọng nhất cho vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Đó có thể là ưu điểm do bạn tự nhận biết, hoặc là những yêu cầu cụ thể mà nhà tuyển dụng nêu ra luôn trong phần yêu cầu tuyển dụng.
- Trình bày ngắn gọn, tối đa mỗi ưu điểm khoảng 02 dòng, vì nhà tuyển dụng còn hàng trăm hồ sơ cần phê duyệt, dài dòng quá họ bỏ ngang thì uổng. Đợi khi phỏng vấn trực tiếp rồi tha hồ trình bày.
- Câu chữ khiêm tốn khi trình bày ưu điểm. Dù bạn là nhân tài kiệt xuất nhưng khi đã gia nhập tập thể, lợi ích chung phải được đặt lên hàng đầu. Những ứng viên mà nói nôm na là “quá chảnh” sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngại về năng lực hợp tác làm việc.
Tham khảo thêm Cách Tạo Cv Xin Việc Bằng Tiếng Anh Chuẩn Nhất 2021
Nêu nhược điểm của bản thân trong CV xin việc
Không ai muốn “khoe” nhược điểm của mình ra cả, nhưng vì mục tiêu chinh phục ấn tượng ban đầu của nhà tuyển dụng về một ứng viên “biết người, biết ta” thì ứng viên mới phải thể hiện ra thôi. Nhưng cũng đừng quá lo lắng vì nhược điểm là yếu điểm của bạn, nhưng chỉ cần không ảnh hưởng mạnh đến chất lượng công việc thì sẽ không gây khó khăn cho việc bạn ứng tuyển thành công đâu.
Phương thức trình bày nhược điểm, khuyết điểm trong CV
Cụ thể, về nội dung nhược điểm của bản thân trong CV, ứng viên nên tham khảo và áp dụng những hướng dẫn trình bày hữu ích sau:
Vị trí trình bày nhược điểm trong CV
Ứng viên nên trình bày ngắn gọn sau phần ưu điểm để nhà tuyển dụng cảm nhận sự cân bằng trong cách ứng viên nhìn nhận, đánh giá bản thân. Đồng thời, dễ so sánh, thấy được những nhược điểm này đã được hàng loạt ưu điểm trước đó đánh bật.
Nội dung trình bày nhược điểm trong CV
Bạn nên chọn những nhược điểm mang tính chung chung, vô hại với bạn,với nhà tuyển dụng và với công việc đang ứng tuyển. Ví dụ:
-
Tập trung nhiều vào công việc, ít chú ý đến vấn đề sức khỏe, chỉ có thể tập thể dục vào cuối tuần..
-
Không tự tin khi trình bày trước đám đông nên hiện tại, bạn đang tham gia khóa học MC của nhà văn hóa thanh niên -> áp dụng khi vị trí ứng tuyển chỉ tập trung bàn giấy, hồ sơ, trao đổi qua email…
Nêu ưu điểm và nhược điểm khi xin việc?
Lưu ý khi thể hiện nhược điểm của bản thân trong CV
-
Nhược điểm càng xa tính chất công việc càng tốt, vì nhà tuyển dụng không tìm nhân viên hoàn hảo mọi mặt, họ tìm nhân viên hoàn hảo nhất cho vị trí công việc mà thôi.
-
Nêu nhược điểm, phải kèm theo đó là những cách thức, biện pháp bạn đang áp dụng để loại bỏ nhược điểm đó ra khỏi con người mình. Điều này cho thấy bạn là người cầu tiến, chịu khó học hỏi, không ngại khó.
Tổng kết lại, một khi đã trình bày cả ưu nhược điểm trong CV, ứng viên phải luôn nhớ nguyên tắc chỉ nói đến:
-
Điểm mạnh hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho công việc
-
Điểm yếu càng không liên quan đến năng lực hoàn thành công việc càng tốt
Tham khảo thêm Mẹo Trả Lời Ưu Điểm - Nhược Điểm Khi Phỏng Vấn Xin Việc
Một CV toàn ưu điểm, giá trị tham khảo trong mắt nhà tuyển dụng sẽ giảm đi so với CV có đầy đủ ưu nhược điểm. Vì vậy, Goodjob khuyến khích các bạn ứng viên viết ưu điểm và nhược điểm của bản thân trong CV đầy đủ. Với những chia sẻ trên đây, đảm bảo nhược điểm sẽ không khiến các bạn bị mất điểm đâu, ngược lại, cho thấy bạn là một người chín chắn, biết rõ bản thân còn thiếu sót và sẵn sàng trau dồi, học hỏi. Đây là điều mà nhà tuyển dụng luôn mong muốn tìm thấy nơi những nhân sự mới gia nhập.