Không thể nói sa thải không đáng sợ nhưng thay vì hoang mang, hãy tìm cách để bản thân mạnh mẽ hơn trước làn sóng này.
Kinh tế khó khăn, nhiều công ty chọn cách cắt giảm chi phí và một trong số đó là sa thải nhân viên. Những người chẳng may nằm trong “danh sách đen” chắc chắn sẽ lo lắng, không biết sẽ làm gì tiếp theo. Những người thoát được cũng không tránh khỏi chuỗi ngày nơm nớp, sợ sẽ đến lượt mình hay nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.
Bạn có lo lắng và bối rối trước làn sóng này không? Thật khó mà nói không bởi dù ít hay nhiều, dù đang làm công việc gì, sa thải vẫn luôn là nỗi ám ảnh với người làm công ăn lương. Nhưng bạn có biết điểm mấu chốt giúp một người có thể đứng vững giữa “bão” sa thải chính là khả năng cạnh tranh mạnh mẽ? Cạnh tranh để giải quyết công việc, để không rơi vào danh sách sa thải và đôi khi là tìm việc mới. Vậy làm sao để cải thiện khả năng này?
1. Bạn phải là kiểu nhân sự theo mô hình chữ T
Điều này có nghĩa là bạn phải có một khả năng chuyên sâu và nhiều năng lực đi kèm. Nói rõ hơn, bạn đã có năng lực cốt lõi, có tất cả các hiểu biết và kiến thức liên quan đến công việc. Một tài năng như vậy sẽ không lo chuyện bị sa thải, nếu có thì đó là sai lầm của công ty.
2. Thương hiệu cá nhân sẽ là tài sản cốt lõi
Ngày nay không khó để bắt gặp từ khóa “thương hiệu cá nhân” ở đâu đó trên MXH hay Internet. Các khóa học về thương hiệu cá nhân cũng xuất hiện nhan nhản khắp nơi nhưng không phải chỗ nào cũng chất lượng. Vì vậy điều quan trọng là phải cẩn thận, chọn những nội dung và khoá học phù hợp với mình.
Khi có một thương hiệu cá nhân đủ uy tín trong lĩnh vực hoạt động, công việc sẽ tự tìm đến với bạn. Thậm chí với những người có tiếng tăm về mặt chuyên môn lẫn thương hiệu, họ không cần phải cạnh tranh với ai mà ngược lại, các công ty hay dự án phải cạnh tranh để có được sự có mặt của họ.
3. Bớt nhảy việc, tập trung phát triển năng lực chuyên môn
Dù ít nhưng có một hiện tượng không mấy vui vẻ ở các công ty là sự đảo ngược lương, lương của nhân viên mới lại cao hơn nhân viên cũ. Điều này khiến cho nhiều người tưởng rằng muốn lương cao thì phải nhảy việc. Thực tế không như vậy, muốn lương cao thì phải giỏi.
Tất nhiên không ai từ chối chuyện lương cao. Nhưng khi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thì tốt nhất không nên nhảy việc chỉ vì lương cao. Hãy xem xét những câu hỏi như: Công việc này có ảnh hưởng đến bạn không? Liệu nó có cho phép bạn học hỏi những kỹ năng thực sự không? Liệu nó có mang lại cơ hội thăng tiến không? Nếu có được những điều này thì khi ở lại, tốc độ tăng lương của bạn sẽ cao hơn những người thường xuyên thay đổi công việc.
4. Mở rộng mối quan hệ với những người giỏi trong lĩnh vực
Bởi vì trong quá trình giao lưu, chia sẻ với những người giỏi, bạn sẽ tìm ra khuyết điểm của bản thân. Từ đó nếu bạn không ngừng sửa sai, phát triển bản thân thì cũng sẽ trở thành một người giỏi. Nói một cách ngắn gọn, đây chính là “Chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà học”.
Dù làm bất cứ công việc gì cũng đừng là người “cưỡi ngựa xem hoa” mà hãy chịu trách nhiệm về vai trò của bản thân tại nơi làm việc. Nếu được như vậy thì dù làn sóng sa thải có mạnh mẽ đến đâu, bạn cũng không phải lo lắng mình sẽ là người bị cho nghỉ việc.
Theo Phụ Nữ Việt Nam