Bí quyết kiềm chế tuyệt đối nỗi sợ hãi trong phỏng vấn

Bí quyết kiềm chế tuyệt đối nỗi sợ hãi trong phỏng vấn

Ngày đăng: 14/04/2022 10:45 AM

    Tâm lý của ứng viên trong buổi phỏng vấn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách thể hiện và tỷ lệ thành công của buổi phỏng vấn đó. Nỗi sợ hãi phỏng vấn có thể khiến bạn đánh mất cơ hội công việc mà bạn yêu thích. Bài viết dưới đây sẽ giúp vượt qua nỗi sợ hãi phỏng vấn và tự tin nắm bắt công việc mơ ước.

    Bí quyết kiềm chế tuyệt đối nỗi sợ hãi trong phỏng vấn

    Nguyên nhân của nỗi sợ phỏng vấn

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lo lắng, bất an trong buổi phỏng vấn. Với nhiều người, có thể là do chưa đủ tự tin vào năng lực và kiến thức của bản thân. Nhưng một nguyên nhân quan trọng nhất là do bạn chưa chuẩn bị cho buổi phỏng vấn thật tốt. Việc chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Hãy thay thế sự lo lắng bằng tài ăn nói, thuyết phục, ứng xử chuyên môn, kỹ năng để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nếu bạn nổi bật về những mặt này, họ sẽ chẳng để ý đến việc bạn lo sợ như thế nào đâu.

    Cách kiềm chế nỗi sợ phỏng vấn xin việc

    Vậy để có được sự chuẩn bị chu đáo cho buổi phỏng vấn thì bạn cần làm những gì?

    1. Lên kế hoạch và chuẩn bị trước

    Điều đầu tiên và quan trọng nhất trước mỗi buổi phỏng vấn là bạn cần lên kế hoạch càng đầy đủ càng tốt. Chuẩn bị trước những câu hỏi và câu trả lời có thể gặp trong buổi phỏng vấn, tìm hiểu kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn tự tin, chủ động và trình bày suôn sẻ trong khi phỏng vấn. Đồng thời, chuẩn bị trước cho mình kế hoạch mặc trang phục gì, tìm hiểu vị trí phỏng vấn và phương tiện đi lại thuận tiện.

    Bên cạnh đó, hãy ngồi trước gương và diễn tập như thể bạn đang ở buổi phỏng vấn thật sự. Hãy quan sát mình thật kỹ, tập nói rành mạch trước gương, hạn chế dần và bỏ hẳn các cử chỉ lo lắng.

    Bạn không thể nói với nhà tuyển dụng rằng bạn là người cởi mở trong khi lại ngồi tư thế khúm núm, vai và cánh tay bó chặt vào thân. Như thế nhà tuyển dụng sẽ thấy bạn rất mâu thuẫn. Nếu trong buổi phỏng vấn, bạn ý thức được mình đang căng thẳng, hãy nói thẳng với nhà tuyển dụng. Đồng thời, hãy đề cao bản thân mình. Ví dụ “Anh có thể thấy tôi run tay nhưng tôi là người không dễ nao núng”. Hoặc bạn có thể thêm vài câu nói đùa để che giấu bớt sự lo lắng, sợ hãi của mình.

    Cách kiềm chế nỗi sợ phỏng vấn xin việc

    2. Bắt đầu bằng cái bắt tay tự tin

    Hãy bước vào phòng phỏng vấn bằng một nụ cười thật tươi và một cái bắt tay thật chuyên nghiệp. Việc này sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng về sự tự tin với nhà tuyển dụng. Một cái bắt tay chuyên nghiệp là nắm tay thật chắc nhưng không quá nhẹ cũng không quá mạnh.

    Cuối buổi phỏng vấn, hãy hỏi người phỏng vấn một số câu hỏi trước khi bạn hoàn thành phỏng vấn có thể để lại một ấn tượng tích cực.

    3. Cố gắng điều chỉnh nhịp thở

    Nếu lúc nào trong lúc phỏng vấn, bạn cảm thấy lo lắng, sợ hãi phỏng vấn, thì hãy tạm dừng một lát, hít sâu thở chậm. Cố gắng kiểm soát hơi thở, giữ tinh thần thoải mái và thư giãn, lắng nghe thật kỹ những lời nhà tuyển dụng nói và cởi mở chia sẻ là cách giúp bạn tiến gần hơn với cuộc “chốt deal”. Đừng quá áp lực bản thân về việc có nhiều ứng viên khác tài năng hơn, bởi công ty sẽ tìm kiếm người phù hợp nhất thay vì người giỏi nhất. Hãy xem mỗi buổi phỏng vấn là một buổi cọ xát thực tế, để bạn học hỏi và trau dồi kỹ năng phỏng vấn, để luôn thoải mái, tự tin là chính mình.

    Một câu thần chú giúp bạn luôn vững tâm trong buổi phỏng vấn là: “Mình có thể làm được”, “Mình có thể làm tốt”, “Tôi có thể trúng tuyển công việc này”.

    4. Nói chậm rãi và từ tốn

    Sự lo lắng có xu hướng làm cho bạn nói quá nhanh hoặc vấp khi nói. Vì vậy, hãy nói chậm lại và đừng sợ việc tạm dừng. Nếu bạn chạy đua để lấp đầy mọi sự im lặng quá nhanh, có khả năng bạn sẽ thốt ra điều gì đó mà bạn sẽ hối tiếc. Người phỏng vấn cũng mong bạn tạm dừng và suy nghĩ trước khi trả lời những câu hỏi phức tạp.

    Nếu việc tạm dừng khiến bạn bắt đầu cảm thấy khó xử, bạn có thể nói điều gì đó ví dụ như: “Đó là một câu hỏi hay! Tôi cần suy nghĩ một chút để tìm ra câu trả lời chính xác nhất.”

    Một số lưu ý khi tham gia phỏng vấn xin việc

    Khi bạn tham gia phỏng vấn, tuyệt đối không được làm những điều sau:

    • Việc gì cũng gật đầu đồng ý
    • Rung chân
    • Bặm môi, cắn môi
    • Nhìn mông lung
    • Tùy tiện thư giãn cổ

    Ngôn ngữ cơ thể là vô cùng quan trọng để nhà tuyển dụng cân nhắc bạn vào làm việc. Phần lớn các nhà tuyển dụng đều lựa chọn ứng viên không chỉ giỏi về chuyên môn, mà còn phải là người có đạo đức tốt, giao tiếp giỏi, hiểu cách quản lý con người và truyền đạt cuốn hút.