Khám phá niềm đam mê thực sự của bản thân
Bạn có mệt mỏi vì phải đi làm ngày này qua ngày khác chỉ vì đó là việc tất yếu phải thực hiện? Bạn đi không phải vì bạn muốn, mà vì bạn phải đặt miếng cơm manh áo là mối quan tâm lớn nhất? Bạn mất cảm giác yêu thích, hứng thú dành cho công việc của mình?
Niềm đam mê của bạn nên là thứ mà bạn thích một cách tự nhiên, không có tính toán từ trước. Bạn thích một thứ gì đó vì nó có thể giúp bạn có được nhiều tiền, đó không phải đam mê. Hãy phân biệt rõ giữa thích và đam mê.
Có một lưu ý trong việc biến đam mê thành sự nghiệp. Chẳng hạn, bạn thích vẽ không nhất thiết công việc của bạn là họa sĩ vẽ tranh. Bạn có thể chọn thiết kế đồ họa, và sử dụng một số tài năng nghệ thuật tương tự như vẽ tranh để định hướng nghề nghiệp.
Xác định nhu cầu
Sau khi bạn đã khám phá ra niềm đam mê của bản thân, hãy chọn một lĩnh vực nhất định mà mình muốn theo đuổi. Sẽ có trường hợp xảy ra là, nhu cầu của công việc bạn chọn ngoài xã hội là không cao, hoặc lượng đối thủ cạnh tranh quá nhiều.
Tuy nhiên, số lượng đối thủ cạnh tranh không nên trở thành yếu tố làm bạn chùn bước. Nếu bạn tự tin vào các kỹ năng của mình, bạn sẽ cạnh tranh một cách khá thoải mái, miễn là bạn có một chiến lược tốt.
Thực hiện nghiên cứu
Chuẩn bị những thứ cần thiết cho công việc của bạn. Máy móc, thiết bị, hoặc có thể là giấy chứng nhận, bằng cấp đào tạo chuyên biệt… Bạn thậm chí có thể cần phải thuê nhân viên hoặc kêu gọi nhà đầu tư. Để tiết kiệm cho sau này và có chiến lược bài bản chuyên nghiệp, hãy tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể bây giờ.
Tham vấn ý kiến từ những người đã hoặc đang làm công việc tương tự như những gì mà bạn đang muốn hướng đến. Tìm hiểu xem nhờ đâu họ có được thành công, bài học kinh nghiệm họ rút ra là gì. Việc này còn giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt cho bước đi sau này.
Lên kế hoạch
Lập một kế hoạch chi tiết về các bước bạn cần thực hiện để biến đam mê của bạn thành cơ hội nghề nghiệp. Đó là điều quan trọng. Những gì bạn cần làm, số tiền bạn cần chi tiêu trước khi bạn bắt đầu, mục tiêu ngắn và dài hạn, lường trước tất cả các rủi ro có thể xảy ra và cách xử lý chúng…
Xây dựng kỹ năng
Để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả một việc gì đó, trước tiên bạn phải có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực đó. Nếu chưa có kỹ năng mềm, không sao cả. Bạn hoàn toàn có thể học. Hiện nay có rất nhiều các lớp đào tạo chuyên sâu, cho rất nhiều lĩnh vực và cả các lớp đào tạo kỹ năng mềm. Hãy dành thời gian trống trong thời gian biểu để tham gia các khóa học ấy. Nếu không sắp xếp được, bạn có thể đăng ký các lớp học trực tuyến.
Như người ta vẫn nói, học càng nhiều, bạn càng kiếm được nhiều tiền là vậy.
Hãy linh hoạt
Con đường của bạn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, vì vậy hãy lên kế hoạch cho những rủi ro sẽ xảy ra. Hãy cởi mở để nhận tư vấn và phê bình từ những người đi trước một cách có chọn lọc. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng với mọi người”. Thế nên, đừng ngần ngại chọn bước đi cùng người khác hoặc cùng một nhóm.
Biến đam mê của bạn thành một nghề nghiệp đòi hỏi phải có động lực. Hãy chủ động trong việc tạo động lực để thực hiện mỗi ngày. Điều này giúp bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Thành quả lao động của bạn cuối cùng sẽ được đền đáp và bạn sẽ tiếp tục làm những gì bạn yêu thích.
Từ đam mê đến sự nghiệp, không phải là không thực hiện được, cũng không phải là dễ thực hiện. Để làm được điều đó, bạn cần sự chuẩn bị chu đáo và sự tìm hiểu kỹ lưỡng. Nếu chưa có đam mê, hãy dành thời gian để nghiên cứu xem bạn thực sự yêu thích điều gì, mong muốn làm gì. Nếu đã xác định được, hãy lên kế hoạch để thực hiện nó ngay bây giờ.