Blog công sở - Ngồi văn phòng cả ngày không nói chuyện là EQ thấp? 5 SỰ THẬT nơi công sở sẽ giúp bạn có câu trả lời xác đáng

Blog công sở - Ngồi văn phòng cả ngày không nói chuyện là EQ thấp? 5 SỰ THẬT nơi công sở sẽ giúp bạn có câu trả lời xác đáng

Ngày đăng: 22/06/2022 10:56 AM

    Trên mạng gần đây nổi lên với chủ đề: Bạn nghĩ sao về người đi làm ngồi văn phòng mà cả ngày không nói một câu nào, là EQ thấp hay bản tính lầm lì ít nói?

    Chủ đề này đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Từ đó, không ít người lên tiếng chỉ trích, cho rằng đi làm mà không biết hòa nhập vào môi trường công sở thì cầm chắc thất bại, rất nhanh bị đào thải.

    Nhưng nhiều người lại không cho như vậy. Đi làm thì chỉ cần hoàn thành trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ của mình là được. Còn việc hòa nhập với đám đông hay không là quyền của mỗi người, tùy thuộc vào sở thích và vấn đề cá nhân. Hơn nữa, không nói chuyện ở đây không có nghĩa là họ hoàn toàn im lặng hay không phối hợp vào các vấn đề chung của công ty. Tin chắc rằng nếu có việc hỏi đến thì họ sẵn sàng trả lời. 

    Tôi đã nghỉ học từ đại học năm thứ 2, từng bán bảo hiểm, làm nhân viên bán hàng, từng học nghệ thuật, mở cửa hàng, bày sạp bán ngoài đường, mở công ty kinh doanh…

    Mười năm bôn ba, hiện tại đã có thành công nho nhỏ. Tôi không tự cho mình là người lão luyện trong cách đối nhân xử thế ở chốn công sở, nhưng tôi đủ kinh nghiệm để nói lên được sự thật có lẽ bạn chưa thể nhận ra.

    1. Không nói chuyện mới là người bình thường!

    Công bằng mà nói, văn phòng là nơi làm việc, chứ không phải là nơi để nói chuyện, ngoài những lĩnh vực bắt buộc nhân viên phải sử dụng tiếng nói. 

    Thật ra, “không nói một câu nào” ở đây có vẻ chưa đúng, nên là “không nói những chuyện không liên quan đến công việc” mới chính xác. 

    Công việc là công việc, nơi làm việc cũng phải có nguyên tắc chuẩn mực hẳn hoi. Đã làm công ăn lương thì phải biết công tư phân minh. Đừng bao giờ có suy nghĩ mở miệng nói chuyện rôm rả cả ngày mới là bình thường. Càng nói nhiều thì hiệu suất làm việc càng giảm sút. 

    2. Chốn công sở, thị phi nhiều, im lặng mới có thể tồn tại lâu dài. 

    Những ai đi làm nhiều năm mới hiểu rõ, người ăn to nói lớn thì tuổi nghề ngắn ngủi đến đáng thương. Muốn bảo vệ chính mình, quản lý lời ăn tiếng nói mới là quyết sách quan trọng nhất. 

    Đừng nghĩ rằng người nói nhiều thì sẽ kết nhiều bạn. Trên thực tế, đã dấn thân vào xã hội này thì ít nhiều cũng sở hữu mức độ trí tuệ nhất định. Một người sếp thực thụ sẽ coi trọng nhân viên ít nói nhưng làm việc mẫn cán, còn hơn người chỉ biết nói nhưng hiệu suất kém.

    Đôi khi chỉ là lời nói bình thường thốt ra cửa miệng, nhưng vào tai đối phương lại mang ý nghĩa khác. Từ đó gây ra thị phi, rắc rối trùng trùng, phá vỡ mối quan hệ.

    3. Người hiểu nguyên tắc ở chốn công sở thường rất ít nói. 

    Ở môi trường làm việc, đừng bao giờ xem nhẹ người ít nói. Kiểu người này, hoặc là có bối cảnh gia đình to lớn, từ nhỏ đã được rèn luyện cốt cách chỉn chu, “ẩn mình” vì không cần thiết phải khoe khoang hay lộ diện; hoặc là năng lực cực cao, không rảnh rỗi xen vào thị phi hay tranh luận vô giá trị. 

    4. Đồng nghiệp giao lưu với nhau là chuyện bình thường, nhưng không cần thiết phải luyên thuyên không dứt. 

    Quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau, ngồi bên cạnh hàng giờ liền mà không nói với nhau câu nào quả thực không hợp lý. 

    Làm việc chung một môi trường thì đương nhiên phải duy trì mối quan hệ. Nhưng có một thực tế là hòa hợp thì ít, mà thị phi thì nhiều. Thật sự chẳng có mấy người vui vẻ khi nhìn thấy bạn phát triển và tiến bộ hơn họ. Vậy nên duy trì tình cảm đôi bên là điều nên làm, nhưng phải có chừng mực.

    5. Nói chuyện với đồng nghiệp cần phải chú ý tình huống và thời gian. 

    Ở chốn công sở, cố gắng dằn lòng, hạn chế cười cợt phù phiếm và bàn tán sau lưng người khác. Nếu đùa giỡn quá mức hay nói xấu mà còn công khai sẽ thu hút sự chú ý của cấp trên và đồng nghiệp. Điều này thật sự không tốt, mang lại rất nhiều hệ lụy cho bạn. 

    Đồng thời, phải biết giữ ý tứ trong cách ăn nói, thận trọng và chừng mực. Đừng mù quáng hùa theo người khác hoặc thú vui nhất thời. Đến lúc nhận về hậu quả thì đừng than thân trách phận, cho rằng công ty khó khăn với mình. 

    Chốn công sở đầy rẫy thị phi, người thông minh đều biết giữ mồm giữ miệng. Không nói một câu nào mới là biểu hiện của người đại trí.

    Theo Phụ Nữ Việt Nam