RSM là gì?
RSM là viết tắt của Regional Sales Manager – giám đốc kinh doanh vùng. Họ là người chịu trách nhiệm chính cho hoạt động kinh doanh của một khu vực rộng lớn như miền Bắc, miền Trung, miền Nam, thậm chí là cả một quốc gia.
RSM quản lý toàn bộ văn phòng, cửa hàng hoặc trung tâm, chi nhánh của doanh nghiệp. giám sát việc bán hàng, phân phối cũng như cung cấp dịch vụ của công ty trên toàn bộ khu vực.
RSM thường là các chuyên gia về bán hàng và tiếp thị. Họ am hiểu thị trường và khách hàng, có tư duy kinh doanh nhạy bén, biết cách xây dựng các đội nhóm, văn phòng, duy trì động lực để đạt được mục tiêu doanh số lẫn mở rộng kinh doanh.
Các trách nhiệm chính của RSM thường bao gồm:
- Thiết lập kế hoạch/ mục tiêu kinh doanh cho khu vực theo hạn ngạch, đáp ứng mục tiêu kinh doanh chung.
- Xây dựng chiến lược kinh doanh/ bán hàng tại khu vực.
- Hỗ trợ quản lý chi nhánh.
- Dự báo lợi nhuận định kỳ (theo quý hoặc theo năm).
- Lên yêu cầu về tuyển dụng, đào tạo nhân sự cho chi nhánh.
- Đảm nhận ngân sách hàng năm cho khu vực đang chịu trách nhiệm.
- Phân tích xu hướng kinh doanh của thị trường khu vực, khám phá cơ hội mở rộng kinh doanh.
- Giải quyết các vấn đề liên quan đến kinh doanh tiềm ẩn
- Đưa ra đề xuất sản phẩm hoặc dịch vụ mới phù hợp với khu vực để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị phần cho doanh nghiệp.
RSM và ASM khác nhau như thế nào?
Một trong các chức danh thường bị nhầm lẫn với RSM là ASM (Area Sales Manager).
ASM trong tiếng Việt là vị trí giám đốc bán hàng. ASM đảm nhận các công việc chính liên quan đến sale, marketing và đảm bảo doanh số của thương hiệu tại một thị trường nhất định. Tuy nhiên, ASM thường phụ trách khu vực nhỏ hơn so với RSM (ví dụ: khu vực Tây Bắc, khu vực ĐBSH, khu vực Hà Nội…).
Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa ASM và RSM là gì, bạn có thể theo dõi bảng sau:
Những kỹ năng cần có của RSM là gì?
Như vậy, bạn đã hiểu rõ RSM là gì và sự khác nhau giữa RSM với ASM. RSM là vị trí cấp cao mà mọi nhân viên bán hàng đều mong muốn vươn tới. Bạn sẽ cần phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng sau:
- Kinh nghiệm: Để vươn đến vị trí RSM, ứng viên thường phải có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm dẫn dắt đội nhóm kinh doanh và tạo nên doanh số bùng nổ cho thương hiệu. RSM sẽ không thường xuyên trực tiếp bán hàng mà tập trung vào chiến lược kinh doanh, đào tạo nên những nhân viên bán hàng giỏi, những nhà quản lý đội nhóm sale tốt để giúp cho hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Do đó, kinh nghiệm và thành tích bán hàng tốt chắc chắn là yếu tố không thể thiếu để trở thành RSM.
- Trình độ: Hầu hết RSM đền có bằng cử nhân trở lên trong lĩnh vực marketing hoặc tài chính, quản trị kinh doanh. Trong các thông tin RSM tuyển dụng, bên cạnh kinh nghiệm dày dặn, các doanh nghiệp cũng thường đánh giá cao các ứng viên có bằng cấp tốt.
- Kiến thức: RSM cần có kiến thức chuyên môn vững chắc về ngành hàng, sản phẩm, thị trường đang kinh doanh thậm chí cả các đối thủ để lên chiến lược kinh doanh và hỗ trợ cho các trưởng nhóm bán hàng đến các nhân viên bán hàng đạt được hiệu suất tốt nhất.
- Kỹ năng: bên cạnh kỹ năng bán hàng đỉnh cao, RSM còn phải trang bị thêm nhiều kỹ năng như:
+ Đo lường, đọc các chỉ số về hiệu suất kinh doanh (KPI, ROI…).
+ Thành thạo các công cụ hỗ trợ kinh doanh tiếp thị cả online, offline, các công cụ đo lường hiệu quả tiếp thị và hiệu suất kinh doanh.
+ Nắm bắt được thực tiễn khu vực và hoạt động của từng cơ sở trong phạm vi quản lý.
+ Kỹ năng lãnh đạo.
+ Phát triển đội nhóm.
+ Kỹ năng giao tiếp tốt.
+ Kỹ năng tổ chức.
+ Giải quyết vấn đề.
+ Đi công tác nhiều.
+ Chịu áp lực công việc.
Rèn luyện ra sao để trở thành RSM?
Thông thường, một nhân viên sale chuyên nghiệp sẽ thăng tiến theo các bậc sau:
- Nhân viên kinh doanh (Salesman)
- Trưởng nhóm kinh doanh (Sale Leader)
- Giám sát kinh doanh (Supervisor)
- Giám đốc kinh doanh (Sale Manager)
- Giám đốc kinh doanh khu vực (ASM)
- Giám đốc kinh doanh vùng (RSM)
Với các công ty đa quốc gia, sau vị trí RSM, bạn có thể thăng tiến lên NSM (National Sales Manager) hoặc quản lý hẳn một khu vực lớn gồm nhiều quốc gia như Châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ…
Thời gian để lên từng nấc thang tuỳ thuộc vào loại hình sản phẩm và dịch vụ cũng như chính sách của từng doanh nghiệp. Thông thường, bạn sẽ phải mất ít nhất 2 năm để trở thành supervisor và khoảng thời gian tương tự để lên các cấp bậc cao hơn.
Do đó, nếu có tham vọng trở thành RSM, bạn chắc chắn cần có sự kiên trì và nỗ lực tích luỹ kinh nghiệm cũng như chứng minh được bản thân qua các thành tích bán hàng và con số kinh doanh thuyết phục.
Cụ thể, sau đây là những lời khuyên từ Goodjob Việt Nam nếu bạn muốn rèn luyện để trở thành RSM một ngày không xa.
Đam mê
Kinh doanh là một công việc có tính đào thải cao, đặc biệt để vươn tới RSM – công việc có áp lực không nhỏ, chỉ có đam mê, sự yêu nghề mới có thể giúp bạn đủ kiên trì gắn bó với công việc này suốt nhiều năm, tích lũy đủ kinh nghiệm để vươn lên và trở thành RSM.
Học hỏi liên tục
Như bạn đã thấy, RSM không chỉ cần biết mà còn cần thành thạo rất nhiều kỹ năng để lên được chiến lược, đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn kịp thời cho cấp dưới khi cần thiết.
Do đó, nếu tham vọng vươn tới vị trí này, không có cách nào khác là bạn phải liên tục nâng cao bản thân mỗi bằng cách học hỏi, trau dồi liên tục: Học kinh nghiệm về cách bán hàng trong khu vực từ người đi trước, học cách bán hàng và tiếp thị theo nhiều hình thức khác nhau (trong nhà, ngoài trời, online, offline…), học về cách lựa chọn, đào tạo và tuyển dụng đội nhóm, học cách duy trì, quản trị mối quan hệ với khách hàng, học ở đối thủ cả cách làm thị trường và xu hướng cạnh tranh…
Hãy tranh thủ khoảng thời gian còn làm nhân viên bán hàng để đi thị trường, hiểu sản phẩm, hiểu thị hiếu khách hàng tại từng khu vực mình được phân công, hiểu đối thủ, hiểu các công cụ tiếp thị & bán hàng hiện đại… Qua năm tháng, bạn mới chứng tỏ được năng lực và thăng tiến dần trên những nấc thang sự nghiệp quan trọng.
Lời kết
Trên đây, bài viết của Goodjob Việt Nam mong rằng đã giúp bạn hiểu rõ hơn RSM là gì. Hi vọng, bài viết phần nào giúp các bạn có mong muốn trở thành RSM trong tương lai có thêm thông tin và động lực để phấn đấu cho hành trình này.