Thăng chức trong công việc, giấc mộng của những kẻ chỉ biết mơ

Thăng chức trong công việc, giấc mộng của những kẻ chỉ biết mơ

Ngày đăng: 01/04/2022 10:08 AM

    Thăng chức, chắc chắn rồi, không ít thì cũng kha khá người khi đi làm sẽ ôm giấc mộng này. Thăng chức, tăng lương là hai thứ người ta mong muốn nhất khi bước chân vào thế giới công việc. Một thứ là danh vọng, một thứ là tiền tài, làm gì có ai lại chưa từng một lần mơ tới.

    Nhưng nhiều người nỗ lực mãi rồi mà cũng chưa thấy kết quả, và cũng chẳng hiểu tại sao mình cố gắng như vậy mà ngày hái trái ngọt chưa tới. Lí do là bởi vì nỗ lực đôi khi cần phải đi kèm với việc hiểu bản thân, biết bản thân yếu chỗ nào thì phải sửa chỗ đó, chứ điểm yếu không tự nó trở thành điểm mạnh được. Dưới đây là một số lí do khiến nhiều người chưa thể thăng chức được

    Ngày nay, tấm bằng đại học hay kinh nghiệm chuyên môn là chưa đủ để đánh giá việc thăng chức của một người.

    Bạn không nổi bật

    Khả năng đóng góp cho công ty nhiều hơn những giá trị bạn nhận được là một yếu tố quan trọng giúp bạn được cất nhắc. Bạn hãy hình dung hợp đồng làm việc của mình như một cuộc trao đổi qua lại. Một cách rất công bằng, bạn thực hiện đúng theo những gì trong mô tả công việc, hoàn thành tốt chúng và được hưởng chế độ lương đầy đủ, các khoản phúc lợi theo quy định và các khoản xét thưởng cuối năm.

    Nhưng như vậy là không đủ đề bạn được thăng chức cao hơn. Quyền lợi lớn hơn luôn đi kèm với trách nhiệm và năng lực lớn hơn. Nếu bạn cảm thấy rằng mình xứng đáng ở một vị trí cao hơn mức hiện tại, bạn cần chứng tỏ rằng mình có thể làm đóng góp được gì để được cân nhắc. Cách tốt nhất là hãy đặt các cam kết của mình cao hơn so với kì vọng của cấp trên. Nếu bạn được yêu cầu doanh số A trong tháng, hãy cố gắng đạt ở mức 120%A, nếu bạn được yêu cầu hoàn thành công tác trong 2 tháng, hãy làm việc nhiều hơn để đạt tiến độ trong 06 tuần. Cách làm này vừa chứng minh được rằng bạn có thể làm được nhiều hơn so với những gì cam kết trong buổi phỏng vấn, vừa để cấp trên nhận thấy rằng bạn sẵn sàng cam kết và tiến xa hơn trong đội ngũ công ty như thế nào.

    Bạn thiếu những kỹ năng mềm

    Ở một cấp độ cao hơn trong công việc, điều duy nhất bạn cần quan tâm không chỉ là vấn đề chuyên môn nữa, mà tại đó bạn sẽ đảm nhiệm các công tác khác như: quản lý và đào tạo nhân sự cấp dưới, lãnh đạo và ra quyết định ở cấp cao hơn, tư duy chiến lược và kế hoạch phát triển, khả năng xử lý mâu thuẫn và điều hành nhân sự… Tất cả các dạng kỹ năng mềm trên đây đều không đòi hỏi ở mức chuyên viên thực hiện, nhưng với các cấp lãnh đạo khác nhau, công ty sẽ yêu cầu nhiều hơn ở bạn. Việc chứng minh mình có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực chuyên môn sẽ giúp đảm bảo cho các cam kết, nhưng chính các kỹ năng mềm nói trên mới giúp một bộ phận nhất định hoạt động trơn tru để đạt được các cam kết đó.

    Bạn không biết tận dụng những phản hồi

    Bất cứ ai cũng đều có ít nhất một lần cố gắng “kiềm nén” khi bị chỉ trích. Nhưng bạn phải ghi nhớ điều này, những chỉ trích đấy không phải lúc nào cũng xấu. Rất có thể sếp bạn có một vài điểm đúng và hợp lý khi “trách mắng” bạn. Sếp bạn đang cố gắng chỉ bảo bạn làm sao để có thể cải thiện hiệu suất làm việc nhưng bạn lại không biết tận dụng những “chỉ trích” này để làm việc tốt hơn và chuẩn bị cho việc thăng chức của mình.

    Bạn vẫn có suy nghĩ của một nhân viên, không phải của một quản lý

    Vấn đề thăng chức sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bạn vẫn mang trong mình suy nghĩ của một nhân viên. Bạn có thể hiểu “suy nghĩ” ở đây bao hàm cách nhìn nhận sự việc, các kỹ năng bổ trợ và chuyên môn cần thiết, nhưng trên hết tư duy của một nhà quản lý sẽ rất khác so với tư duy của một nhân viên bình thường. Ở vị trí đó bạn sẽ phải chịu nhiều áp lực và kì vọng hơn, bạn sẽ đối diện với các bài toán kinh doanh cao cấp và khó giải hơn rất nhiều. Các cam kết của bạn ngày càng trở nên quan trọng và có thể mang tính quyết định với doanh nghiệp, điều này có nghĩa là các quyền lợi của bạn sẽ tăng theo, đồng nghĩa với nguy cơ mắc sai lầm cũng ngày càng nhiều hơn.

    Nếu bạn không thực sự sẵn sàng cho những khó khăn trên, rất có thể bạn sẽ gây ra nhiều rắc rối cho quá trình làm việc, và các nhân sự cấp lãnh đạo tuyệt đối tránh điều này. Sự sàng lọc gắt gao ở các vị trí cao luôn có mục đích của nó. Nếu như ở vị trí thực thi công tác, bạn chỉ cần cam kết với quản lý của mình về deadline và các hạng mục đã được liệt kê sẵn, hoàn toàn không chịu trách nhiệm nào đáng kể nếu dự án đó thất bại (vì bạn đã làm tốt phần việc của mình). Nhưng tại vị trí quản lý, bạn là người phải đưa ra các gạch đầu dòng nói trên, nghĩa là bạn phải biết chắc làm như thế nào, trong bao lâu là hợp lý, và bạn nghiễm nhiên sẽ trở thành nhân vật “đứng mũi chịu sào” cho mọi rắc rối phát sinh.

    Vấn đề thăng chức sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bạn vẫn mang trong mình suy nghĩ của một nhân viên.

    Bạn “trông đợi” quá nhiều vào việc thăng chức

    Trong thời buổi hiện nay, yếu tố chính dẫn đến một sự thăng chức không còn là thời gian bạn làm cho một công ty nữa. Thế giới sẽ không sụp đổ nếu như bạn không được thăng chức. Không quan trọng là bạn đã làm cho công ty được 6 tháng hay 6 năm, cái quan trọng nhất là bạn đã cố gắng và đóng góp được những gì cho công ty.

    Nhưng không phải đến đây là hết cơ hội, chẳng có ai sinh ra đã là sếp cả. Ai cũng phải học hỏi dần dần để hoàn thiện bản thân trên cương vị lãnh đạo những người khác. Tất nhiên, chẳng ai có thể trở nên hoàn hảo cả, nhưng khi những điểm yếu được cải thiện, chắc chắn đồng nghiệp của bạn sẽ ủng hộ bạn nhiều hơn. Và khi ấy, thăng chức cũng chỉ là một điều tất yếu thôi! Những yếu tố sau đây vô cùng quan trọng trong việc góp phần tạo nên “một người đứng trên vạn người”.

    Dù có thế nào, được thăng chức hay không được thăng chức, được tăng lương hay không được tăng lương, thì hãy nỗ lực hết mình. Nỗ lực chính là trái ngọt đầu tiên mà bạn không bao giờ phải ngoảnh lại và hối tiếc vì những gì mình đã làm.