6 ĐIỀU NÊN HỎI ỨNG VIÊN “NHẢY” VIỆC LIÊN TỤC
Thuật ngữ “nhảy” việc thường được sử dụng để mô tả một ứng viên thay đổi công việc thường xuyên và gắn bó với công ty chỉ trong thời gian ngắn, có thể là từ vài tháng đến một năm. Thêm vào đó là quá trình “nhảy” việc liên tục này theo ý muốn của riêng họ chứ không phải kết quả của các yếu tố khách quan như cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa công ty.
Đối với các nhà tuyển dụng, CV có các khoảng thời gian làm việc ngắn ngủi có thể là dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, một bản CV không nói lên toàn bộ câu chuyện. Nếu bạn quyết định phỏng vấn một ứng viên “nhảy” việc liên tục, bạn nên hỏi những câu hỏi cụ thể để xác định lý do thực sự đằng sau việc này. Các câu trả lời mà ứng viên cung cấp có thể giúp bạn đưa ra quyết định tuyển dụng sáng suốt.
Tại sao bạn rời bỏ công việc hiện tại và các vị trí trước đó?
Hỏi ứng viên về lần thay đổi công việc gần đây nhất giúp bạn biết được các thông tin có giá trị về quá trình “nhảy” việc của họ. Chẳng hạn như ứng viên có thể giải thích rõ ràng về động thái của họ không? Lý do cắt giảm nhân sự họ đưa ra có phù hợp với xu hướng thị trường không? Ứng viên đã suy nghĩ kỹ về việc rời đi hay họ chỉ đưa ra những quyết định bốc đồng?...
Bạn đã đạt được gì ở các công việc trước đây?
Ngay cả khi một nhân viên không gắn bó lâu dài với công ty, họ vẫn có thể có những đóng góp to lớn. Hãy khám phá những gì họ đã làm trong quá khứ. Một ứng viên hàng đầu nhưng chỉ ở lại một hoặc hai năm với một công ty có thể đáng được tuyển dụng.
Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?
Trong nhiều trường hợp, một nhân viên sẽ rời bỏ công việc khi họ xem đó là “ngõ cụt”, không có nhiều cơ hội. Nếu ứng viên bày tỏ mong muốn phát triển và học hỏi, thậm chí có thể tham gia các khóa học hoặc chương trình đào tạo, thì đây có thể là một dấu hiệu tốt. Chỉ cần chắc chắn rằng vị trí bạn đang tuyển dụng có thể mang lại cơ hội phát triển cho họ.
Điều gì ở công việc này khiến bạn hứng thú?
Hỏi ứng viên xem họ thích điều gì ở vị trí tuyển dụng sẽ giúp bạn biết được hai vấn đề. Đầu tiên, họ đã đọc kỹ mô tả công việc chưa. Nếu chưa thì đây có thể là dấu hiệu họ không nhiệt tình với vai trò. Thứ hai, họ đã hình dung về việc làm việc ở công ty bạn như thế nào và họ có ý định phát triển với công ty hay không? Nếu có thì đây có thể là dấu hiệu của sự gắn kết hơn từ phía ứng viên.
Bằng cách xác định kỳ vọng thực tế của ứng viên đối với công việc, bạn có thể biết được liệu họ có cảm thấy không hài lòng và có tiếp tục “nhảy” việc liên tục trong tương lai hay không.
Sự thăng tiến và dịch chuyển quan trọng như thế nào đối với bạn?
Câu hỏi này liên quan đến động lực nghề nghiệp của ứng viên. Nếu họ nói rằng khả năng thăng tiến là điều quan trọng đối với họ và bạn đang tuyển dụng một vị trí không mang lại cơ hội đó thì đây có thể là yếu tố gây ra vấn đề. Đặt một ứng viên muốn thăng tiến vào vai trò không mang lại điều họ mong muốn có nghĩa là bạn sẽ phải tuyển dụng người thay thế sớm hơn mong đợi.
Bạn nghĩ mình sẽ đảm nhận vai trò này trong bao lâu?
Nếu bạn lo lắng những ứng viên tốt nhất có thể vẫn “nhảy” việc không lâu sau khi bắt đầu, bạn nên hỏi thẳng về khoảng thời gian họ mong muốn gắn bó với vai trò.
Bạn có thể nói điều gì đó như: “Tôi biết đây là một câu hỏi khó trả lời, nhưng nếu chúng tôi tuyển dụng bạn, bạn sẽ gắn bó với công ty trong bao lâu?”.
Luôn luôn có khả năng ứng viên có thể nói dối trong một cuộc phỏng vấn và cho bạn biết những gì bạn muốn nghe. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi. Ngôn ngữ cơ thể của ứng viên và cách họ trả lời câu hỏi này sẽ cho bạn biết đây có phải là điều họ do dự hay không.
Khi họ cho thấy các dấu hiệu như khoanh tay hoặc phản ứng chậm hay đưa ra những câu chuyện và lý do bào chữa, bạn biết mình cần chuyển sang ứng viên tiếp theo.
Để chắc chắn, bạn có thể yêu cầu họ cam kết ở lại trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, “Chúng tôi đang tìm kiếm một người có thể cam kết thực hiện vai trò này trong ba năm. Bạn có nghĩ rằng bạn có thể gắn bó với công ty của chúng tôi trong khoảng thời gian đó không?”.
Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn nhân viên mới sẽ gắn bó với công ty của họ trong một thời gian đáng kể. Đó không chỉ là vì sự khó khăn khi phải tìm người thay thế mà còn rất tốn kém. Bằng cách sử dụng những câu hỏi này, bạn sẽ không chỉ có thể xác định những người bạn không nên tuyển dụng, mà còn có thể tìm thấy những ứng viên tuyệt vời mà các công ty khác đã từ chối vì “nhảy” việc liên tục.