9 ĐIỀU NÊN NHỚ NẰM LÒNG KHI LẦN ĐẦU ĐI PHỎNG VẤN XIN VIỆC
Lần đầu đi phỏng vấn xin việc có thể là một trải nghiệm khiến bạn căng thẳng và lo lắng đến tột độ. Bạn là một người mới, không có kinh nghiệm đáng kể nào ngoài một vài công việc thực tập có thể không liên quan nhiều đến công việc ứng tuyển. Tương tác trực tiếp với nhà tuyển dụng là cơ hội duy nhất của bạn để tạo ấn tượng lâu dài và giúp bạn có được công việc đầu tiên.
Nhưng làm thế nào bạn có thể đạt được điều này? Dưới đây là 9 lời khuyên sẽ giúp bạn đạt được kết quả tốt khi lần đầu tiên đi phỏng vấn xin việc, hãy cùng tham khảo nhé.
Tìm hiểu về công ty
Nghiên cứu là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần làm trước khi xuất hiện trong bất kỳ cuộc phỏng vấn xin việc nào. Hãy nghiên cứu kỹ về công ty mà bạn ứng tuyển để nắm vững những thông tin cơ bản như Nhiệm vụ của công ty là gì? Ai là nhân vật chủ chốt trong tổ chức? Ai sẽ phỏng vấn bạn? Công ty có tiếng tăm như thế nào? Có những tin tức mới nào về công ty gần đây? Những loại kỹ năng, kinh nghiệm hoặc kiến thức nào công ty đánh giá cao nhất ở nhân viên của mình? Công ty đang kinh doanh các sản phẩm hoặc dịch vụ nào? Văn hóa công ty ra sao?…
Các thông tin này có thể dễ dàng được tìm thấy trên phần “Giới thiệu” trên trang web của công ty hoặc các trang web tìm kiếm việc làm.
Bạn cũng có thể tìm kiếm tin tức trên Google để xem các hoạt động của công ty gần đây hoặc vào fanpage của công ty để xem nhân viên hiện tại và nhân viên cũ nói gì về công ty. Bạn càng biết nhiều, bạn càng chuẩn bị tốt hơn để trả lời các câu hỏi và giúp bạn trở thành ứng viên giàu tiềm năng.
Tìm hiểu về công việc
Ngoài việc nghiên cứu các thông tin về công ty, bạn cũng cần đi sâu vào công việc của chính mình. Một số điều cần nắm vững ở đây bao gồm Nhiệm vụ, trách nhiệm với vai trò là gì? Những kỹ năng hoặc kinh nghiệm nào bạn cần có? Mức lương và phúc lợi nào mà bạn sẽ được nhận? Các trang web tìm kiếm việc làm như CareerLink sẽ rất hữu ích để tham khảo mức lương phù hợp cho từng vị trí công việc khác nhau.
Chuẩn bị các câu hỏi và câu trả lời
Nếu việc trải nghiệm phần hỏi đáp với nhà tuyển dụng khiến bạn căng thẳng thì bạn không cô đơn. Các cuộc khảo sát cho thấy, 35% sinh viên mới tốt nghiệp cho biết câu hỏi mà họ sợ nhất là “Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?”. Ngoài ra, một số câu hỏi khác bạn nên chuẩn bị sẵn câu trả lời bao gồm Hãy nói một chút về bản thân bạn? Tại sao bạn muốn làm việc ở đây? Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Mục tiêu của bạn trong 5 năm tới? Thử thách (hay thất bại) lớn nhất của bạn là gì? Điều gì khiến bạn tự hào nhất?…
Mặc dù nhà tuyển dụng sẽ thực hiện hầu hết các cuộc nói chuyện, nhưng bạn cũng có thể hỏi một số câu hỏi của riêng bạn để thể hiện sự chủ động và đảm bảo công việc phù hợp với bạn. Các cuộc phỏng vấn nên là con đường hai chiều và hoàn toàn ổn khi đặt câu hỏi một cách lịch sự.
Tùy thuộc vào mối quan hệ giữa bạn và người phỏng vấn mà bạn có thể đưa ra câu hỏi theo nhiều hướng khác nhau nhưng nhìn chung, bạn có thể hỏi những câu như Một ngày làm việc bình thường sẽ diễn ra như thế nào? Tại sao công ty lại cần vị trí này? Mục tiêu của công ty trong ngắn hạn và dài hạn là gì? Văn hóa công ty như thế nào? Người phỏng vấn thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?
Hãy cố gắng đưa ra từ 3 đến 5 câu hỏi. Điều này đủ để thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công ty mà không khiến người phỏng vấn cảm thấy bị “tấn công” dồn dập.
Thực hành nhuần nhuyễn
Luyện tập trước sẽ giúp bạn bớt căng thẳng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc. Hãy nhờ bạn bè hoặc người thân giúp bạn thực hành từng bước của cuộc phỏng vấn, từ chào hỏi cho đến lúc kết thúc. Tập trả lời những câu hỏi một cách nhanh chóng và chính xác và nhờ họ đưa ra những lời góp ý để bạn có thể cải thiện.
Nếu bạn không thể nhờ ai giúp đỡ hoặc bạn cảm thấy ngại khi nhờ vả, hãy sử dụng webcam hoặc nhìn vào gương trong khi nói chuyện. Điều này có thể giúp bạn đánh giá được biểu cảm và giọng điệu của mình để có ý tưởng về cách mà người phỏng vấn có thể cảm nhận về bạn.
Mang theo tất cả các tài liệu cần thiết
Ngay cả khi bạn đã gửi CV, thư xin việc hay các tài liệu qua email thì bạn cũng cần mang theo bảo sao của chúng đến buổi phỏng vấn. Nếu có hơn một người phỏng vấn và họ không chưa có hồ sơ về bạn thì bạn có thể cung cấp ngay lập tức. Bên cạnh đó, đừng quên mang theo các bản gốc của bất kỳ chứng chỉ hoặc bằng cấp liên quan nào nhé.
Ăn mặc phù hợp
Buổi phỏng vấn xin việc không phải là thời gian để thử nghiệm một diện mạo mới. Ấn tượng đầu tiên về bạn sẽ khắc sâu trong tâm trí của nhà tuyển dụng. Do đó hãy trông thật gọn gàng và lịch sự khi đi phỏng vấn xin việc, cụ thể là chọn quần áo phù hợp với vai trò và công ty, thoải mái và vừa vặn, tránh các màu sắc sặc sỡ hay có nhiều hoa văn, chú ý kiểm tra các vết bẩn hoặc nếp nhăn; cắt tóc nếu cần thiết; sử dụng các phụ kiện (bao gồm trang sức, thắt lưng, đồng hồ và túi xách) đơn giản và ở mức tối thiểu.
Đến sớm là đúng giờ
Các cuộc phỏng vấn thường bắt đầu sau một vài phút so với lịch đã hẹn nhưng bạn nên có mặt trong phòng chờ trước đó khoảng 10 phút để tạo ấn tượng tuyệt vời. Hãy sắp xếp đến sớm để bạn có đủ thời gian làm quen với môi trường văn phòng và cảm thấy thoải mái hơn.
Lịch sự nhất có thể
Đơn giản nhưng không kém phần quan trọng, hãy nhớ để tâm đến cách cư xử của bạn trong suốt cuộc phỏng vấn. Hãy tắt điện thoại di động hoặc để chế độ im lặng; chào người phỏng vấn bằng một cái bắt tay chắc chắn và một nụ cười; tích cực lắng nghe khi người phỏng vấn lên tiếng và không ngắt lời họ; giao tiếp bằng mắt và bình tĩnh; cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian và cơ hội gặp gỡ…
Hãy là chính mình
Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng bạn nên là chính mình trong cuộc phỏng vấn xin việc làm. Điều này không có nghĩa là bạn nên hành động tự nhiên như với bạn bè của mình trong các cuộc vui chơi mà bạn cần chân thành và trung thực. Nếu bạn cố gắng trở thành một ai khác thì điều này sẽ không giúp ích cho bạn trong suốt cuộc phỏng vấn và có thể phản tác dụng bởi nó mang lại cho bạn một công việc không phù hợp.
Do đó, hãy trung thực trong câu trả lời của bạn, thực sự nghĩ về điểm yếu và điểm mạnh khi được hỏi và đừng sợ thể hiện tính cách thật của mình. Buổi phỏng vấn là cơ hội để xem bạn có làm việc tốt trong công ty hay không và cố gắng trở thành một ai khác không mang lại cho bạn hay công ty bất kỳ lợi ích nào. Thêm vào đó, việc là chính mình cho thấy bạn rất tự tin và đó là một điểm cộng lớn trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.
Có rất nhiều thứ bạn cần phải thực hiện để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc nhưng đưa những lời khuyên này vào hành động có thể giúp nâng cao cơ hội đạt được công việc mơ ước. Hãy nhớ rằng, cuộc phỏng vấn việc làm đầu tiên của bạn là một sự đánh dấu bạn bước vào con đường sự nghiệp và bạn càng chuẩn bị tốt, bạn càng trở nên thoải mái và chuyên nghiệp hơn.