1. Nghiên cứu về công ty, mô tả công việc (Job Description)
Nếu bạn đã nhận được những thông báo trước đó về cuộc phỏng vấn, đừng quên xem lại mô tả làm việc và nghiên cứu một chút về công ty.
Về công ty, bạn có thể tìm xem trên trang web chính thức, trang mạng xã hội hay những hoạt động gần đây của công ty để tìm hiểu thêm về các giá trị, mục tiêu và văn hóa công ty.
Ghi lại những chi tiết nhất định về công ty và cố gắng đề cập đến chúng trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại nếu có cơ hội. Ví dụ, nếu công ty gần đây nhận được một giải thưởng nào đó, bạn có thể đề cập đến vấn đề này như một phần lý do vì sao bạn muốn ứng tuyển vào đây.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu về mô tả công việc sẽ giúp bạn hình dung khái quát được nhà tuyển dụng sẽ đặt những câu hỏi liên quan đến công việc như thế nào. Bạn cũng hoàn toàn có thể lồng ghép những kinh nghiệm của bản thân để cho họ thấy rằng bạn hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện gói công việc này.
2. Chọn lọc câu hỏi phỏng vấn và luyện tập trước gương
Một trong những lợi thế bạn có thể tận dụng của hình thức này chính là chuẩn bị trước câu hỏi phỏng vấn và viết câu trả lời ra giấy. Bạn hoàn toàn có thể để nó bên cạnh khi đang trả lời nhà tuyển dụng.
Các câu hỏi phỏng vấn qua điện thoại có thể tham khảo gồm:
- Hãy giới thiệu đôi chút về bản thân bạn
- Kinh nghiệm chuyên môn của bạn là gì?
- Tại sao bạn lại chọn công ty của chúng tôi?
- Bạn mong đợi học được gì khi nhận làm vị trí này?
- Mức lương kỳ vọng của bạn là bao nhiêu?
Trên đây là top các câu hỏi quen thuộc nhưng cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, câu hỏi tình huống liên quan đến vị trí ứng tuyển cũng nên được tập luyện trước đó; để tránh tình trạng lúng túng.
3. Tìm hiểu về nhân sự sắp phỏng vấn mình
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, có thể bạn sẽ được nhà tuyển dụng, quản lý tuyển dụng hoặc quản lý cấp trên của bạn trực tiếp phỏng vấn. Hãy xác định xem vai trò phỏng vấn của họ là gì trong công ty.
Bạn có thể lên LinkedIn của công ty để xem sơ qua về danh sách nhân sự đang làm việc tại đây, hoặc cũng có thể thăm dò thông tin từ các diễn đàn trao đổi tìm việc để hỏi han các ứng viên cũ từng phỏng vấn tại đây.
Nếu như phỏng vấn với nhà tuyển dụng, bạn sẽ nhận được những câu hỏi bao quát liên quan đến kinh nghiệm. Nhưng nếu phỏng vấn với sếp trực tiếp, bạn sẽ nhận được những câu hỏi liên quan đến kỹ năng đặc thù.
4. Cân nhắc trước về mức lương mong muốn
Nhiều nhà tuyển dụng cũng thường có xu hưởng hỏi về kỳ vọng lương của bạn ngay tại buổi phỏng vấn qua điện thoại, nhằm đảm bảo nhu cầu ứng viên phù hợp với ngân sách của công ty nhanh chóng, tiết kiệm thời gian giữa đôi bên.
Vì vậy, việc cân nhắc về mức lương kỳ vọng cũng chính là điều bạn nên chuẩn bị trước. Bạn có thể nghiên cứu mức lương trung bình trong ngành, cùng với đánh giá năng lực bản thân để đưa ra mức lương hợp lý.
Song, bạn cũng đừng nên đưa ra một con số cụ thể, mà có thể xác định một khoảng lương nhất định. Điều này sẽ giúp người phỏng vấn của bạn thấy rằng bạn là một người linh hoạt.
5. Luôn sẵn sàng tài liệu bên cạnh
Có thể người phỏng vấn sẽ muốn hỏi bạn những câu hỏi liên quan đến sơ yếu lý lịch hoặc hồ sơ năng lực (portfolio) của bạn để đánh giá kinh nghiệm một cách chính xác, cụ thể hơn.
Do đó, bạn cần chắc chắn rằng tất cả các tài liệu cần thiết để tham khảo luôn được chuẩn bị sẵn sàng bất cứ lúc nào. Bạn có thể in chúng ra hoặc mở chúng trên máy tính để dễ dàng soi chiếu thông tin.
6. Hãy đảm bảo điện thoại luôn đủ pin!
Nếu bạn đang sử dụng điện thoại di động cho cuộc phỏng vấn qua điện thoại, hãy đảm bảo rằng nó đã được sạc đầy và ở tình trạng hoạt động vào ngày phỏng vấn.
Bạn cũng nên thực hiện cuộc gọi thử nghiệm. Nhờ ai đó gọi cho bạn để đảm bảo rằng đường dây của bạn rõ ràng và điện thoại của bạn có thể nhận cuộc gọi đúng cách. Hãy sẵn sàng từ 10-15 phút trước thời gian phỏng vấn thực tế để đảm bảo điện thoại của bạn hoạt động ổn định.
7. Khéo léo hẹn lại thời gian nếu bạn chưa tiện nghe điện thoại
Nếu bạn không thể thực hiện cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào thời gian đã đề xuất, hãy cân nhắc đề xuất những thời gian khác thuận tiện hơn. Bạn nên nói sơ về lịch trình đang bận hiện tại của mình, sau đó thảo luận với người phỏng vấn về thời gian mà cả hai đều rảnh và xác định lịch hẹn cụ thể, phù hợp.
Việc hẹn lại lịch khi bạn bạn cần thêm thời gian hoặc có một cuộc hẹn xung đột sẽ giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là một người trung thực. Đây thường là kỹ năng có giá trị mà nhà tuyển dụng tìm kiếm.