Trước khi bước đến vòng deal lương, bạn cần:
1. Xác định mức lương mong muốn của bản thân
Đây là bước nghiên cứu và đánh giá tất cả các yếu tố liên quan đến bản thân, công việc cũng như nhu cầu thị trường. Từ đó, bạn mới có cơ sở để đề xuất mức lương mà bạn mong muốn.
Cụ thể, bạn cần nghiên cứu 4 yếu tố sau:
- Nghiên cứu về tính chất, yêu cầu và khối lượng công việc: Công việc này sẽ do một mình tôi đảm nhận, hay có những người khác cùng chia sẻ công việc? Trong một tháng tới, tôi phải đáp ứng những KPI nào? Ai là người đánh giá hiệu suất làm việc của tôi, và đánh giá dựa trên những tiêu chí nào?,...Không cần tìm kiếm câu trả lời đâu xa, hãy hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng những câu hỏi đó vào cuối mỗi buổi phỏng vấn.
- "Chấm điểm" năng lực làm việc của bản thân: Bạn có tự tin rằng mình có thể đáp ứng được hết tất cả những yêu cầu trên của nhà tuyển dụng không, hay bạn chỉ đáp ứng được một phần nào đó thôi? Tất nhiên là khi level của bạn càng cao thì bạn càng có đủ cơ sở mong muốn mức lương cao hơn;
- Nghiên cứu mặt bằng lương trên thị trường ở thời điểm hiện tại: Bạn có thể tìm kiếm thông tin này qua internet hoặc vận dụng các mối quan hệ để hỏi thăm những người đã và đang làm việc ở vị trí tương đương tại các công ty khác để tính được mức lương trung bình. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp bạn tự tin trên bàn đàm phán khi bị nhà tuyển dụng chèn ép với mức lương quá thấp;
- Đánh giá chính sách phúc lợi: Nếu bạn nhận được offer của 2 hoặc nhiều công ty cùng lúc thì đừng vội từ chối offer của công ty có mức lương thấp hơn. Thay vào đó, hãy dành thời gian tìm hiểu rõ hơn về phúc lợi mà công ty cung cấp cho bạn. Ví dụ, tuy lương cứng không quá cao nhưng hoa hồng cao, thường xuyên bonus cho nhân viên đạt thành tích tốt, đóng bảo hiểm full lương hoặc tăng lương định kỳ sau 6 tháng, phụ cấp ăn trưa ngay tại canteen,...
2. Chuẩn bị kịch bản, luận điểm
Trước khi tiến hành deal lương, mỗi công ty sẽ cung cấp cho HR một quỹ lương cụ thể, chẳng hạn 10-12 triệu/tháng. Trong trường hợp ứng viên đề xuất mức lương 15 triệu/tháng thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ phải deal lương về ngưỡng ban đầu, thậm chí là thấp hơn. Nhưng nếu ứng viên chỉ dám đề xuất mức lương 8 triệu/tháng, tức là thấp hơn quỹ lương mà công ty có thể chi trả, thì cũng không có chuyện nhà tuyển dụng nâng mức lương lên 10 triệu/tháng cho ứng viên đâu. Thậm chí họ còn đưa ra nhiều lập luận sắc bén để hạ mức lương xuống ngưỡng thấp nhất, nhằm mục đích tiết kiệm chi phí quản lý nhân sự cho công ty.
Đó là lý do vì sao bạn cần chuẩn bị một cái đầu lạnh kèm theo những luận xác đáng để không bị nhà tuyển dụng chèn ép trong quá trình đàm phán. Bạn nên nhớ trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng phải nhìn ra tiềm năng gì đó của bạn thì mới nhận bạn vào làm, tức là phần thể hiện của bạn xuất sắc hơn những ứng viên khác. Vì vậy đừng để những lý do kiểu như "Em chưa có kinh nghiệm nên mức lương như vậy là còn cao đấy" của nhà tuyển dụng đánh lừa bạn nhé.
3. Cách deal lương
Cuối cùng thì cũng đã đến thời khắc deal lương chính thức với nhà tuyển dụng. Lúc này chắc hẳn nhiều bạn sẽ cảm thấy lo lắng và hồi hộp hơn cả khi đi phỏng vấn trước đó. Nhưng không sao, hãy hít một hơi thật sâu và làm theo hướng dẫn deal lương sau:
3.1. Trường hợp 1: Bạn đã đi làm và đã có lương
Hãy đề xuất mức lương cao hơn một chút so với mức lương tại công ty cũ. Còn việc cao hơn bao nhiêu phải phụ thuộc vào khả năng hoàn thành công việc của bạn:
- Nếu ở công ty cũ bạn thấy mình làm rất tốt và tự tin mời nhà tuyển dụng liên hệ với công ty cũ để cross-check thì bạn có thể đề xuất lương tăng từ 20-30%, thậm chí là 40%;
- Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mình chỉ hoàn thành ở mức tạm ổn thì hãy deal lương bằng hoặc tăng 10% so với mức lương cũ. Mục đích là để bạn có thời gian thể hiện mình trong công việc mới, hoặc là xem mình có thực sự phù hợp với công việc mới này hay không. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ thì đến lúc kết thúc thử việc và ký hợp đồng chính thức, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục đề xuất mức lương mới.
3.2. Trường hợp 2: Bạn đã đi làm nhưng làm không lương
Bạn có thể tự tin deal lương giống như trường hợp 1 vì mình là người đã có kinh nghiệm, nhưng thay vì căn cứ vào mức lương cũ để đề xuất mức lương mới thì bạn sẽ căn cứ vào mức lương trung bình của thị trường. Mức deal hợp lý nhất là tăng 10-15%.
3.3. Trường hợp 3: Bạn chưa từng đi làm
Đối với người mới ra trường thì chúng tôi khuyên bạn khoan thương lượng lương ở công việc đầu tiên nếu nhà tuyển dụng không đề cập tới, trừ khi bạn là người có tiếng tăm trong trường đại học của mình và có rất nhiều trải nghiệm thời sinh viên.
Bạn biết không, khoảng cách giữa trường đại học và thị trường việc làm là rất lớn. Khi mà bạn chưa biết được thị trường mong đợi như thế nào, chưa biết mình thật sự có thể làm việc một cách ngon lành được hay không mà đã đi kỳ kèo lương bổng thì đó là điều không nên. Thời điểm tuyệt vời nhất cho một bạn trẻ mới ra trường thảo luận về vấn đề lương bổng là sau 2 tháng thử việc. Khi các bạn đã hiểu được mong muốn của doanh nghiệp và thể hiện được bản lĩnh của mình rồi, thì quá trình deal lương sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.
4. Một số lưu ý quan trọng khi deal lương
4.1. Không nên chủ động nhắc đến vấn đề lương quá sớm với nhà tuyển dụng
Thường sẽ quá trình phỏng vấn được chia ra thành 2 vòng, tuy nhiên có vài công ty lớn thì yêu cầu khắt khe hơn, có thể lên tới 3 vòng. Và những nhân vật xuất hiện trong buổi phỏng vấn thường là người phụ trách tuyển dụng, quản lý bộ phận tuyển bạn vào hoặc là sếp quản lý cấp cao hơn.
Phỏng vấn vòng 1 thường sẽ là thời điểm kiểm tra quy tắc ứng xử, năng lực, thái độ, xem bạn có phù hợp với công việc hay môi trường làm việc của công ty không. Thế nên đây không phải thời điểm thích hợp để hỏi về vấn đề lương bổng.
Bạn cứ yên tâm vì nhà tuyển dụng đã sắp xếp thời điểm thích hợp nhất để trao đổi với bạn về vấn đề này là kết thúc vòng phỏng vấn cuối. Nếu như bạn chưa cống hiến được gì cho công ty mà đã hỏi trước về lương bổng, điều này có thể khiến bạn mất điểm trầm trọng trong mắt nhà tuyển dụng đấy.
4.2. Đừng kể về mức lương cũ (nếu không bị hỏi đến)
Lương thưởng nên được coi là bí mật giữa bạn với công ty cũ. Nếu nhà tuyển dụng không đề cập đến thì bạn cũng không cần nói ra làm gì, bởi vì biết đâu mức lương mới mà tuyển dụng đưa ra lại cao hơn nhiều so với mức lương cũ thì sao.
Còn nếu nhà tuyển dụng ngỏ ý muốn biết mức lương cũ trong lúc phỏng vấn thì bạn nên lái câu hỏi sang hướng khác bằng cách hỏi ngược lại nhà tuyển dụng xem họ đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên lý tưởng. Sau đó đưa ra mức lương bạn mong muốn và lý do tại sao bạn xứng đáng với mức lương này, thay vì trả lời mức lương cũ.
4.3. Chủ động đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin về lương
Kết quả của quá trình deal lương sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi trong tương lai của bạn, vì vậy đừng để nhà tuyển dụng tỏ ra lấn lướt. Bạn cũng cần chủ động đặt câu hỏi để khai thác thêm thông tin liên quan đến lương. Chẳng hạn như thông tin về thưởng chuyên cần, thưởng KPI, phụ cấp xăng xe, phụ cấp ăn trưa và đặc biệt là bảo hiểm.
4.4. Từ chối nếu như nhà tuyển dụng đề xuất mức lương quá thấp
Nhà tuyển dụng thì lúc nào cũng muốn hạ mức lương xuống mức thấp nhất để tiết kiệm chi phí, nhưng nếu họ đưa ra mức lương quá thấp - thấp dưới mức chấp nhận được thì bạn nên cân nhắc từ chối offer để bảo vệ quyền lợi của bản thân. Nếu như công ty có quyền lựa chọn bạn giữa hàng trăm ứng viên khác thì bạn cũng có quyền lựa chọn một công ty để gắn bó lâu dài giữa hàng trăm công ty khác.
Tối thiểu thì lương cũng phải đủ để bạn trang trải sinh hoạt phí bao gồm tiền nhà, tiền ăn, tiền chi phí đi lại và nhiều khoản lặt vặt khác nữa. Nếu nhân viên không đủ tiền ổn định cuộc sống thì lấy đâu ra tinh thần và sức lực để cống hiến cho công ty, đúng không nào?
4.5. Đưa ra một khoảng lương thay vì một con số cụ thể
Giả sử bạn có kinh nghiệm 1 năm làm nhân viên SEO web ở công ty X, khi deal lương cho vị trí tương tự ở công ty Y, bạn nên đề xuất mức lương mong muốn là khoảng 10-15 triệu/tháng, trong đó con số 10 triệu là mức lương tối thiểu mà bạn cảm thấy chấp nhận được. Không nên nói toẹt ra là “Tôi mong muốn mức lương 12 triệu/tháng”. Việc đề xuất một con số cụ thể như vậy nên dành cho nhà tuyển dụng.
5. Những vấn đề cần tránh
Cùng với 5 lưu ý về cách deal lương mà chúng tôi vừa nói trên đây, bạn cũng cần tránh đề cập đến những vấn đề này trong quá trình đàm phán nhé.
5.1. Tôi cần
“Tôi cần được cung cấp ABC ở nơi làm việc” là câu nói giết chết mọi ấn tượng tốt đẹp mà bạn cố gắng thể hiện ở những vòng phỏng vấn trước đó. Xin nhắc lại một lần nữa, hãy tập trung làm nổi bật giá trị mà bạn có thể mang lại cho công ty thay vì tập trung mọi thứ vào bản thân mình.
5.2. Tôi nghe nói nhân viên mới nhận được tiền lương cao hơn
Bạn biết đấy, deal lương cũng là kỹ năng dành cho nhân viên cũ chứ không phải chỉ ứng viên mới cần.
Trên thực tế, có không ít trường hợp nhân viên cũ tỏ ra bất mãn với công ty vì nhận được mức lương thấp hơn nhân viên mới trong khi khối lượng công việc là như nhau, thậm chí còn phải tốn thời gian đào tạo cho nhân viên mới.
Nếu bạn cũng trong tình trạng tương tự như trên, bạn có thể đề xuất cấp trên tăng lương cho mình hoặc yêu cầu công ty phải deal lại mức lương mới thì mới đồng ý gia hạn hợp đồng làm việc. Tuy nhiên, đừng nêu lý do là vì nhân viên mới nhận được tiền lương cao hơn, hãy tập trung vào các luận điểm như thâm niên, mức độ gắn bó, độ thạo việc,...
Deal lương là bước cuối cùng và cũng là bước quan trọng nhất trong suốt quá trình tuyển dụng, bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng mà bạn xứng đáng được hưởng trong thời gian làm việc tại công ty. Nắm được cách deal lương hiệu quả, bạn không những có được mức lương như ý, mà còn có được cả sự hài lòng trong công việc. Chúc bạn deal lương thành công nhé!
Cre: tuyendung.kfcvietnam